Chuyên mục
Trump 2.0: Việt Nam đối mặt phép thử kinh tế lớn nhất thập kỷ

Trump 2.0: Việt Nam đối mặt phép thử kinh tế lớn nhất thập kỷ

Thứ sáu 11/04/2025 11:51 GMT + 7

Sau tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Tổng thống Donald Trump mới đây bất ngờ "giảm nhiệt" khi quyết định tạm giảm mức thuế còn 10% trong 90 ngày. Động thái này nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại song phương.

 

Sách về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại một cửa hàng ở Hà Nội, Việt Nam.

 

Động thái “giơ cao, đánh khẽ” này diễn ra đúng thời điểm Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, có mặt tại Washington D.C. để làm việc với phía Mỹ. Hai bên thống nhất sẽ khởi động một thỏa thuận đối ứng, xoay quanh các vấn đề liên quan.


Tuy nhiên, phía sau bề mặt ngoại giao đó là một thực tế rõ ràng hơn: Chính sách Trump 2.0 tại Đông Nam Á đang trở thành một phép thử thực sự cho bản lĩnh kinh tế Việt Nam. Nếu như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Việt Nam từng là người hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, lần này Hà Nội đứng trước nguy cơ bị quy vào “trạm trung chuyển”, bị áp thuế cao, thậm chí bị siết các tiêu chuẩn thương mại khắt khe hơn.

 

Không còn là ngoại lệ

 
Trong giai đoạn 2018-2020, Việt Nam nổi lên như điểm sáng trong chiến lược "China+1". Các tập đoàn đa quốc gia ào ạt chuyển dây chuyền, FDI tăng kỷ lục, xuất khẩu sang Mỹ bùng nổ. Nhưng cũng từ đó, thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng lớn và chạm mốc hơn 120 tỷ USD vào cuối 2024. Điều này khiến Washington đặt Hà Nội dưới “kính hiển vi thương mại”.


"Chính quyền Trump đang mở rộng mục tiêu từ Trung Quốc sang cả các mắt xích thay thế trong chuỗi cung ứng. Việt Nam không còn được xem là ngoại lệ”, chuyên gia kinh tế Thế Bình nhận định với Sputnik.

Việc áp thuế cao không chỉ mang tính trừng phạt đơn lẻ. Động thái này cho thấy một chuyển biến chiến lược: Đông Nam Á không còn là vùng đệm an toàn, mà là một phần trong phép tính bảo hộ của Trump 2.0.

 

Quyết định tạm hoãn áp thuế là một cơ hội nhưng cũng là lời cảnh báo. Việt Nam có 90 ngày để thể hiện rằng mình là một đối tác thương mại đáng tin cậy, minh bạch và có năng lực nội tại thực sự và không chỉ là điểm đến sản xuất chi phí rẻ.


“Đây không đơn thuần là đàm phán kỹ thuật. Đó là phép thử khả năng tái định vị của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu”, chuyên gia quan hệ quốc tế Lê Minh nhấn mạnh.

 

Ba hướng đi sống còn

 
Gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào Mỹ. Việc đẩy mạnh thực thi các FTA (như EVFTA, CPTPP) và khai phá thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi sẽ giúp Việt Nam tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”.


“Không thể chỉ trông đợi vào việc xin miễn trừ. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động dịch chuyển thị trường và nâng tiêu chuẩn hàng hóa. Nói cách khác, Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, ông Hoàng Phát, chủ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chia sẻ với Sputnik.

 

Thực tế cho thấy, sản xuất giá rẻ không còn là lợi thế bền vững. Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, minh bạch chuỗi cung ứng và tăng hàm lượng “chất xám” trong từng sản phẩm.


“Các doanh nghiệp Việt nên xem thời điểm này là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao giá trị nội tại, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường”, chủ doanh nghiệp trên cho biết thêm.

 

Phép thử chính thức bắt đầu


Theo giới chuyên gia, là đối tác chiến lược toàn diện với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, Việt Nam nên duy trì ngoại giao mềm dẻo. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục kiên định với việc đặt lợi ích kinh tế quốc gia lên hàng đầu.


“Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn, tuy nhiên đã rất linh hoạt để nắm bắt cơ hội mở ra đàm phán song phương. Điều cần nhất là tìm ra giải pháp nhằm điều phối lợi ích một cách khôn ngoan”, chuyên gia quan hệ quốc tế Lê Minh phân tích.

 

Trump trở lại cùng với cục diện thương mại toàn cầu mới. Trong đó, Chính sách Trump 2.0 tại Đông Nam Á chính là bài kiểm tra đầu tiên cho bản lĩnh kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.


90 ngày đàm phán sắp tới không chỉ là lúc rà soát lại các điều khoản thuế quan, mà còn là thời điểm để Việt Nam tái định hình vị thế của mình trong một thế giới đang biến động không ngừng.

Nguồn: kevesko.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.