Chuyên mục
Ông Tô Lâm tặng Trump ''món quà'' và nước cờ chiến lược của Việt Nam

Ông Tô Lâm tặng Trump ''món quà'' và nước cờ chiến lược của Việt Nam

Thứ bảy 05/04/2025 16:48 GMT + 7

Tối 4/4/2025, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.


© Ảnh : TTXVN Hoàng Thống Nhất.

 
Giới chuyên gia nhìn nhận, đây là động thái rất nhanh, rất linh hoạt và là nước cờ chiến lược của Việt Nam nhằm tránh tạo thế đối đầu với Mỹ, bảo vệ được lợi ích của Hà Nội, cân bằng quan hệ song phương, tạo khởi đầu cho các cuộc đàm phán thiện chí, tích cực, hiệu quả sắp tới.


Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Donald Trump


Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa công bố mức thuế đối ứng 46% chống lại hàng hoá Việt Nam – động thái gây bất ngờ và thiếu công bằng bất chấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và sự chủ động, linh hoạt, nỗ lực cân bằng thương mại của Việt Nam trước đó. Cũng từ ngày hôm nay 5/4, Mỹ bắt đầu áp thuế cơ sở 10% cho gần như toàn bộ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.


Dự điện đàm cùng Tổng Bí thư Tô Lâm còn có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.


Tại cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng, khi bàn về quan hệ song phương và thuế quan, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định:


“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam”.


Cùng với đó, Hà Nội bày tỏ sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.


Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để “sớm ký một thỏa thuận song phương” nhằm cụ thể hóa những cam kết trên.


Lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đều đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao phát đi sau đó.


Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sớm thăm lại Việt Nam.

 

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng thống Donald Trump trân trọng nhờ Tổng Bí thư Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi thân tình tới các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.


Ngay trong bài đăng trên Truth Social sau đó, Donald Trump cho biết đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Trump cũng thay mặt nước Mỹ cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm và mong đợi có cuộc gặp trong tương lai gần với nhà lãnh đạo Việt Nam.


“Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế quan xuống mức 0 nếu có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta, gửi lời cảm ơn đến ông ấy và nói rằng tôi mong được gặp trực tiếp trong thời gian tới”, Trump viết.


“Nước cờ chiến lược”


Ngay sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương bình luận, việc Việt Nam chủ động đề xuất giảm thuế quan với hàng hóa Mỹ xuống 0% “là một nước cờ chiến lược”, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng leo thang.


“Tổng Bí thư Tô Lâm đã tặng Trump một món quà PR đúng thời điểm – chứng minh chính sách cứng rắn của ông có hiệu quả, khi Việt Nam thể hiện nhượng bộ ngay tức thì nhằm củng cố quan hệ song phương. Thị trường đã phản ứng tích cực: cổ phiếu của các đối tác sản xuất lớn tại Việt Nam như Nike, adidas… quay đầu tăng mạnh”, chuyên gia nói.


Tương tự, ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết trên VOV, việc Tổng Bí thư có cuộc điện đàm ngay lập tức và đặt vấn đề Việt Nam sẵn sàng đàm phán để dẫn đến mức thuế bằng 0 là một hành động rất nhanh của Việt Nam.

 

“Đã có phản ứng nhanh nhạy và nhất quán từ lãnh đạo Đảng cũng như lãnh đạo Chính phủ, chủ trương xuyên suốt đó là việc mình mở cửa để hợp tác với tất cả các nước trên thế giới và hợp tác bình đẳng. Chúng tôi cũng rất hào hứng và ngay lập tức suy nghĩ những biện pháp để hành động”, ông Trần Chí Dũng cho biết.


Trên cơ sở đó tìm những biện pháp tối ưu hóa dòng hàng, dòng tiền, phân tích chuỗi giá trị và cũng là một cơ hội để mình làm minh bạch hóa những chuỗi cung ứng.


Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch dao động từ khoảng 1,7 - trên 2 tỷ USD/ năm.


Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực vào thị trường này là tôm và cá ngừ chiếm vị trí số 1, và mặt hàng cá tra thì là thị trường số 2. Vì thế, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm tối 4/4 với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thực sự mở ra nhiều hy vọng cho ngành thủy sản của Việt Nam. Đây thực sự là một tín hiệu vô cùng tích cực cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.


“Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung đánh giá rất cao, rất cảm kích và biết ơn Đảng và Chính phủ, đặc biệt là việc quyết định điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ là một bước ngoặt mà hy vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ có những thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn về chính sách thuế với Việt Nam”, đại diện VASEP nói.

 

Tránh đối đầu với Mỹ


Theo ông Chương chia sẻ với tạp chí Người Đô Thị của Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), thuế quan từ lâu đã được ví như một con dao hai lưỡi – áp lên người khác cũng là tự làm khó mình.


Các nghiên cứu kinh tế cho thấy thuế quan làm tăng giá hàng hóa, giảm sức cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nội địa và ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng.


“Trừ khi phục vụ mục đích chính trị hoặc tâm lý (tạo cảm giác “thắng thế”), phản ứng khôn ngoan nhất khi bị áp thuế là không phản pháo, nhằm tránh làm tình hình xấu hơn”, chuyên gia Việt Nam lưu ý.


Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp này nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ tránh đối đầu với chính quyền Tổng thống Trump mà còn đi trước một bước là đề xuất giảm thuế về 0%.


“Bước đi này (hy vọng) giúp duy trì xuất khẩu sang Mỹ – thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 136 tỷ USD năm 2024 – đồng thời mở đường cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và công nghệ, vào Việt Nam với giá cạnh tranh hơn”, ông phân tích.


Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, về cơ bản cuộc đàm phán là điều cả hai bên đều mong đợi. Ngay cả khi mà ông Trump đưa ra bảng thuế mới thì họ nói rằng các nước đừng vội trả đũa mà họ sẵn sàng ngồi bàn đàm phán, nghĩa là mình chủ động liên hệ với họ thì cũng là một tín hiệu đáng mừng.


“Các nước họ cũng chủ động liên hệ để đàm phán về mức thuế đó, tôi tin rằng khi 2 bên ngồi vào đàm phán với nhau, các mức thuế có thể giảm xuống thấp hơn mức sơ bộ hiện tại họ đưa ra ban đầu rất nhiều”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Nguồn: kevesko.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.