Chuyên mục
“Mùa quất” và tình yêu dành cho Việt Nam
BÌNH LUẬN
Người ta cứ lao theo những điều to tát mà quyên đi những nhỏ nhoi bình dị ở quanh ta !!,!
Được nghe và đọc những lời bình này của nhà báo Hải Hà, chắc chắn nhiều bạn trẻ VN tại Nga sẽ muốn được đọc cuốn "Mùa...
Mùa quất , mùi quất nhớ và rất nhớ !!!

“Mùa quất” và tình yêu dành cho Việt Nam

Thứ sáu 24/04/2015 10:52 GMT + 7
Khi đọc cuốn truyện “Mùa quất” của tác giả trẻ người Nga Darya Dotsutk,  chắc hẳn bạn sẽ phải thốt lên: Đây thực sự là cuốn sách tuyệt vời mà ở đó, lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán Việt Nam được giới thiệu một cách vô cùng hấp dẫn và tinh tế . Không ai trong chúng ta xa lạ gì với ngày Tết, với Trung Thu hay những hình ảnh thân quen như đôi đũa tre, cây quất, cây đào, hình tượng con rồng, những cánh đồng lúa xanh mướt hay những bãi biển dài sóng vỗ quanh năm… 

Nhưng khi đọc “Mùa quất”, bạn sẽ thấy những điều quen thân đó bỗng trở nên hấp dẫn, đáng yêu hơn, tiềm ẩn nhiều ý nghĩa thú vị hơn. Và bạn sẽ phát hiện ra rằng với những gì quá quen thuộc thường hay bị bỏ qua, nếu được chiêm nghiệm và quan sát từ nhiều phía với một tình cảm chân thực từ đáy lòng, thì chúng sẽ trở nên lung linh, đa sắc và quyến rũ hơn. Tác giả Darya Dotsuk sẽ giúp bạn cảm nhận Việt  Nam từ lăng kính đa chiều đó – một lăng kính lãng mạn, tiềm ẩn triết lý sâu xa với một tình yêu đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam qua “Mùa quất” – một cuốn truyện hơn 200 trang viết cho lứa tuổi thiếu niên.

Trang bìa cuốn truyện “Mùa quất”

Cốt truyện ở đây thật đơn giản, miêu tả cảm xúc hiện tại cũng như hồi ức của cậu bé người Nga tên là Pasa với cả tuổi thơ 13 năm gắn bó với Việt Nam, bởi bố mẹ cậu có thời gian dài công tác tại đó. Rồi một ngày, Pasa phải cùng cả gia đình trở về Matxcơva – tuy là quê hương, nhưng lúc này lại là một thế giới hoàn toàn không quen thuộc với cậu. Tất cả đều xa lạ, từ quy tắc ứng xử, phong tục, thói quen, trường học, thời tiết và ngay cả đồ ăn nữa…Ngày đầu trở về, mọi thứ đều không hấp dẫn chút nào đối với một cậu bé đã nhiều năm lớn lên ở môi trường truyền thống phương Đông.  Những cảm xúc không hài lòng với hiện tại đan xen với hồi ức đẹp về quá khứ ở Việt Nam đã khiến cậu bé luôn trăn trở tìm mọi cách làm sao có thể gắn kết hiện tại với quá khứ, bởi những gì là của Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức của Pasa. Trên con đường thực hiện ước mơ, với bao nỗ lực Pasa dần tìm thấy con đường đi của riêng mình. Và trên con đường đó, những gì cậu học được ở Việt Nam chính là tài sản vô giá giúp cậu vươn lên làm chủ bản thân mình.

Nhân vật chủ đạo,  xuyên suốt hồi ức của cậu bé chính là cô Lan - người giúp việc của gia đình, đã gần gũi và chăm sóc Pasa từ khi cậu còn rất nhỏ . Trong bất cứ đoạn văn nào có sự hiện diện của cô Lan, người đọc có thể cảm nhận tình yêu và sự kính trọng đặc biệt mà Pasa dành cho người phụ nữ Việt Nam bình dị này. Trong con mắt Pasa, cô Lan giống như bà tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích – vừa đẹp, vừa thông minh, vừa nhân hậu, và có thể nói, cô Lan chính là cầu nối cậu với thế giới xung quanh ở Việt Nam. Tục ngữ ca dao Việt Nam, những truyền thuyết về Hồ Gươm, về chú Cuội, về ngày Tết, về cây quất, cây đào, những tinh tuý của triết học phương Đông…mà Pasa ngưỡng mộ đều được cậu biết đến qua những câu chuyện kể của cô Lan. Chính cô đã đặt cho Pasa cái tên Việt Nam mang nhiều ý nghĩa : Cháu Tre. Và cậu tự hào với cái tên đó bởi qua lời kể của cô, cậu biết cây tre không bao giờ gục ngã, luôn vững vàng trước bão tố. Sau này, mỗi lần phải đối mặt với điều gì khó khăn, cậu bé lại nhớ tới lời khích lệ của cô Lan: Cháu Tre, hãy luôn nhớ rằng tre không bao giờ gãy. Với Pasa, cô Lan “dường như được đúc từ vàng” và cậu ước được đặt bức tượng cô bên cạnh tượng Phật – bức tượng được coi là đẹp nhất trong tiềm thức trẻ thơ của Pasa. “Con đường luôn được tạo nên nhờ vô vàn những bước đi nhỏ” – đó là chân lý mà cô Lan đã đúc kết và truyền dạy cho Pasa. Và như điều mà tác giả cuốn sách khẳng định: Pasa đang cố gắng dần bước từng bước một để đi tới tương lai đúng như điều mà cô Lan đã dạy cậu.

Sống ở Việt Nam, Pasa không chỉ có cơ hội hưởng thụ những niềm vui, chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh, thưởng thức những món ăn ngon, mà nhờ  ông già bán sách uyên bác - một cựu chiến binh tên là Hùng, cậu còn biết tới lịch sử Việt Nam trải qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những mất mát vô cùng to lớn. Ở đây, tác giả đã rất tinh tế khi mô tả những nỗi mất mát mà chiến tranh để lại, cũng như tấm lòng bao dung, vị tha của người dân Việt Nam đối với kẻ thù trong quá khứ. Nhân vật ông Hùng – theo tác giả, chính là hình ảnh chung của tất cả các cựu chiến binh Việt Nam. Nỗi mất mát mà Pasa được tận mắt chứng kiến là ông Hùng – người bạn mà cậu vô cùng quý mến, do chiến tranh đã bị điếc và bị mất 3 ngón tay của bàn tay phải. Nhưng cậu vô cùng ngạc nhiên khi những khách du lịch người Mỹ tới hiệu sách, ông không tỏ thái độ căm thù mà thường giơ cánh tay còn lành lặn vẫy tiễn họ với câu chào tạm biệt: “Trước đây chúng ta từng tham chiến, nhưng giờ chúng ta là bạn”. 

Con người với con người luôn là bạn, cho dù họ sống ở nơi nào trên trái đất này và chẳng ai cần tới chiến tranh. Có thể trong quá khứ chúng ta đã phạm lỗi lầm, nhưng hiện tại những lỗi lầm đó có thể coi là bài học… Và không phải ngẫu nhiên, tác giả còn đưa vào cuốn sách khái niệm “Thế giới không biên giới” mà theo chị, đó là một đề tài sâu sắc, đa cấp độ và chị cũng mong muốn cùng độc giả suy ngẫm về vấn đề này.

Tác giả trẻ người Nga Darya Dotsutk

Mỗi sự kiện, mỗi tình huống đều được D.Dotsuk kể lại với giọng văn nhẹ nhàng, tràn đầy tình yêu, sự ngưỡng mộ và sự chia sẻ dành cho Việt Nam. Khi ngắm những bông tuyết đầu mùa khẽ khàng rơi, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo đặc trưng của xứ bạch dương, Pasa lại ngậm ngùi nhớ mùa mưa bão khủng khiếp ở Việt Nam phá huỷ nhà cửa, khiến nhiều người chết, mùa màng thất thu. Nhìn ánh lửa nhỏ lung linh của ngọn nến, Pasa liên tưởng tới ánh mặt trời chói chang phủ trên cánh đồng lúa xanh rờn được tô điểm bằng những chiếc nón trắng nhấp nhô. Với Pasa, mùi của món chả cá hay món nem chính là hương vị quyến rũ nhất trên thế gian này…

Suy ngẫm về hình tượng cây quất – loài cây đặc trưng cho năm mới của Việt Nam, D.Dotsuk viết: “Thoạt nhìn, văn hóa phương Đông và phương Tây chẳng có gì chung. Mọi thứ đều khác nhau: Ngôn ngữ, thiên nhiên, tập quán, tín ngưỡng. Nhưng mọi điều thay đổi khi mùa quất tới. Cả ở nơi ấy và nơi này thì đây chính là thời điểm khi niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào những điều kỳ diệu đều trở nên mãnh liệt một cách khác thường và con người mong muốn làm sao có thể thực hiện càng nhiều những điều tốt đẹp và tặng nhau những cây quất – biểu tượng của hạnh phúc và năm mới. Và trong khoảnh khắc này mới hiểu rõ, cho dù con người sống ở đâu đi nữa thì họ đều ước một điều và trong sâu thẳm tâm hồn, họ chẳng khác nhau chút nào”. Có thể chính vì vậy, tác giả đã đặt tên cho cuốn sách là “Mùa quất” – mùa chuyển giao năm cũ và năm mới, mùa của những trái vàng trĩu trịt được trang trí trong mỗi gia đình Việt Nam trong ngày Tết và ở thời khắc này, mỗi người đều chờ đợi những điều kỳ diệu sẽ đến với mình, và cả cậu bé Pasa cũng vậy.

Ở trang cuối của cuốn sách, D.Dotsuk viết lời cảm ơn chồng mình – anh Anton Tsvetov, bởi anh đã kể chị nghe về thời ấu thơ sống ở đất nước Rồng bay, cho chị biết về Việt Nam, nơi mà câu chuyện này được bắt đầu ngay trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Một phóng viên của tạp chí “Phòng khách Văn học” đã đặt câu hỏi về “Mùa quất” như sau: Cuốn “Mùa quất” ra đời là nhờ những hồi ức của chồng chị về những năm tháng tuổi thơ ở Việt Nam. Chị đã miêu tả thật lôi cuốn một đất nước với những con người thông minh, phúc hậu khiến ngay lập tức có mong muốn được tới đó! Có thể cảm nhận một điều rằng chồng chị không chỉ đơn giản kể chị nghe về tuổi thơ ở đất nước của những con rồng, mà còn khiến chị phải lòng đất nước này…

Vâng chắc chắn D. Dotsuk đã yêu Việt Nam giống như chồng chị vậy. Và ở đây, không thể không nhắc tới ông Petr Tsvetov – bố chồng của tác giả D.Dotsuk, từng nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam. Chính ông mới là người truyền ngọn lửa tình yêu Việt Nam cho con trai, con dâu và trên nền tảng của tình cảm chân thành đó “Mùa quất” đã ra đời./.

Hải Hà
34 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.