Chuyên mục
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đất nước của Lênin

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đất nước của Lênin

Thứ ba 07/11/2023 16:14 GMT + 7

Cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga, trực tiếp nghiên cứu lý luận và thực tiễn Chủ nghĩa xã hội hiện thực theo hình mẫu nước Nga Xô viết và đặt nền tảng cho mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga.

 

Từ đó đến nay, lịch sử đã có những thay đổi ở cả hai nước và trên toàn thế giới, riêng với Việt Nam, đó là những thay đổi kỳ diệu dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự lựa chọn đường lối cứu nước và phát triển đất nước của Hồ Chí Minh, và ảnh hưởng cực kỳ quan trọng bởi sự giúp đỡ của nước Nga. Những thành quả ấy của quá khứ cho phép chúng ta tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn nữa của đất nước Việt Nam trên con đường Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

 

Trong sự hoàn thiện đường lối cứu nước của Hồ Chí Minh, cũng như trong “số phận lịch sử” của nước Việt Nam kể từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay, tác động của “yếu tố Nga”, nước Nga là vô cùng lớn. Trước khi đặt chân đến Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khao khát được đến đất nước của lãnh tụ V.I.Lenin, để học tập và trau dồi kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh sắp tới của dân tộc mình. Người đánh giá rất cao Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin, giúp Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Quay lại thời điểm cách đây hơn 106 năm, vào năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga - sự kiện quan trọng trong lịch sử nhân loại nổ ra thành công. Nguyễn Ái Quốc như nắm bắt được hơi thở thời đại. Tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười Nga dội đến nước Pháp, được Nguyễn Ái Quốc chăm chú dõi theo. Nguyễn Ái Quốc vui mừng nhìn thấy ở Cách mạng Tháng Mười Nga một lối thoát cho dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, Liên Xô (trước đây) là điểm dừng chân đặc biệt để Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện và củng cố vững chắc hơn những luận điểm cơ bản trong con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Quãng thời gian sống, làm việc tại Liên Xô đã góp phần giúp Nguyễn Ái Quốc đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đến thắng hoàn toàn, thực hiện được mục tiêu tột bậc của mình: nước hoàn toàn độc lập, dân hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Năm 1920, khi đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I.Lê-nin, Người đã rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng,... vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong phòng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"(1). Tiếp đó, Người đã vượt qua mọi gian nguy để đến với đất nước Xô-viết, tham gia hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, đồng thời trực tiếp tìm hiểu kinh nghiệm cách mạng của Liên Xô để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 

Ngay trong thời kỳ đó, Người đã cử nhiều thanh niên cách mạng Việt Nam ở trong nước sang học tập tại Liên Xô, trong đó có các đồng chí sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng ta, như đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hà Huy Tập, cùng nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối khác. Dù phải hoạt động trong hoàn cảnh bí mật cực kỳ gian khổ, khó khăn, thậm chí trong ngục tù đế quốc và lên đoạn đầu đài vẫn một lòng một dạ hướng về nước Nga Xô-viết, hướng về quê hương của Lênin và Cách mạng Tháng Mười với niềm tin son sắt và hy vọng tràn đầy về thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng mà mình theo đuổi.

Nước Nga những năm 20 của thế kỷ XX được tiếp cận ở nhiều góc độ. Đối với giai cấp phong kiến, tư sản cho nước Nga là một địa ngục. Còn những người theo khuynh hướng cộng sản thấy ở nước Nga là một thiên đường. Đối với Nguyễn Ái Quốc, nước Nga lúc bấy giờ nhất định không phải là một địa ngục nhưng lúc bấy giờ chưa hẳn đã phải là một thiên đường. Những điều được chứng kiến đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga đó là hình ảnh một đất nước đang trong quá trình khắc phục những hậu quả của chiến tranh, vừa chống thù trong vừa chống giặc ngoài, một nước Nga đang trong quá trình xây dựng, kiến thiết lại mang trong mình cả những ưu điểm và tất nhiên cũng chưa kịp sửa chữa hết những khuyết điểm. Song những khó khăn không làm lu mờ đi hình ảnh một đất nước cách mạng đã làm một việc vĩ đại, lần đầu tiên đưa vị thế của giai cấp công nhân và nông dân lên làm chủ chính quyền, tạo niềm tin, hy vọng cho các dân tộc bị áp bức trong đó có nhân dân Đông Dương.

 

Bao nhiêu sự tuyên truyền, xuyên tạc về một nước Nga mục nát, một chế độ cộng sản dã man của chủ nghĩa thực dân đã ngược lại hoàn toàn so với những gì Nguyễn Ái Quốc được chứng kiến tại nơi đây, mặc dù đã phải trải qua bốn năm chiến tranh thế giới, một năm nội chiến, phải chịu những tổn thương ghê gớm về cả người và của nhưng ở đây, người dân Nga đang ra sức học tập, lao động, nghiên cứu để bù đắp những tổn thất mất mát, để phát triển, “Ở đâu cũng thấy trường học, các nhà máy đều có lớp học, ở đây con em thợ thuyền có thể học nghề, thợ không lành nghề có thể học để trở thành lành nghề, thợ lành nghề có thể học để trở nên kỹ sư. Như thế nhà máy tự đào tạo lấy cán bộ chuyên môn của mình. Đây là một chế độ rất hay”.

 

Người nhớ về quê hương của mình, “quốc mẫu” lúc nào cũng rao giảng tự do, bình đẳng, bác ái nhưng chúng chỉ tìm cách khai thác, bóc lột nhân dân. Nguyễn Ái Quốc đã đi, đã đến và chứng kiến đời sống hiện thực ở nhiều nước, cả thuộc địa lẫn tự do, cả đất nước bị áp bức lẫn đi áp bức nhưng bước chân của Nguyễn Ái Quốc chỉ tới được đích khi Người đặt chân đến nước Nga Xô Viết, từ thực tiễn những gì được chứng kiến, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy đây là một hình mẫu lý tưởng mà Người muốn xây dựng trên chính quê hương mình.

Mặc dù chưa một lần được trực tiếp gặp Lênin nhưng chính những tư tưởng giải phóng của Lênin, cuộc đời và đạo đức cao đẹp của Lênin đã là một tấm gương sáng mà Nguyễn Ái Quốc ngưỡng mộ suốt đời. Ngay từ khi được đọc bản sơ thảo của Lênin tháng 7 năm 1920, đường lối hợp tác các dân tộc vì một mục đích chung của Lênin đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Nguyễn Ái Quốc, mặc dù trước đó Người chưa từng được đọc một quyển sách nào của Lênin. Ở Lênin, ngoài tài năng, tinh thần cách mạng, còn là những phẩm chất rất phương Đông, đó chính là tấm gương sống tiêu biểu, mặc dù bị cấm truyền bá, lưu hành nhưng chủ nghĩa thực dân không sao ngăn cản được ánh sáng chói lọi của Người tỏa sáng đến các dân tộc bị áp bức trong đó có Đông Dương. Khi nói về Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã chia sẻ: “Không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”(2) .

Ngay khi vừa đặt chân lên nước Nga, Nguyễn Ái Quốc đã rất muốn gặp người lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản nhưng khi đó Lênin đang ốm nặng, và cơ hội để Người được trực tiếp gặp Lênin đã không cthể thực hiện được khi ngày 21/1/1924, trái tim lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã ngừng đập. Lênin qua đời là một mất mát to lớn không chỉ của nhân dân Liên Xô mà cả cho nhân dân thế giới.

Những năm tháng ở trên quê hương Lênin chính là thời gian thể hiện xuất sắc hình ảnh người học trò Lênin của Nguyễn Ái Quốc, Người đã tham gia sôi nổi các hoạt động quốc tế, đấu tranh bảo vệ và phát triển những lý luận của Lênin về cách mạng vô sản và mối quan hệ giữa giai cấp vô sản với nhân dân các nước thuộc địa. Lần đầu tiên được tham dự Đại hội của Quốc tế Cộng sản với vai trò là đại biểu tư vấn nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng đã rất mạnh mẽ và thẳng thắng phê phán Quốc tế Cộng sản vẫn còn chưa chú trọng đến các vấn đề của các nước thuộc địa, điều đó hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn lúc sinh thời của Lênin.

Thời gian được học tập, nghiên cứu, lao động, tham gia sôi nổi vào các hoạt động cách mạng trên quê hương Cách mạng Tháng Mười đã mang lại cho Nguyễn Ái Quốc những nhận thức mới mẻ, đồng thời cũng là những cơ sở lý luận và thực tiễn bổ sung vào học thuyết cách mạng mà Người đang xây dựng và hoàn chỉnh cho Việt Nam. Những thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và kiến thiết nước nhà về sau này của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, không thể không khẳng định tầm ảnh hưởng to lớn từ những thành quả của cách mạng tháng Mười, từ những tư tưởng vĩ đại của Lênin.

 

 

 


Ngày 30/6, chính quyền thành phố Saint Petersburg (Nga) phối hợp phía Việt Nam long trọng tổ chức lễ khánh thành bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến Petrograd, nay là Saint Petersburg (30/6/1923-30/6/2023). Tác phẩm của kiến trúc sư Anatoly Chernov và các đồng nghiệp.

 

Ths. Trần Thị Bích Thủy
Trường Chính trị Trần Phú



1. Hồ Chí Minh toàn tâp, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562.
2. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Sđd, tr.294, tr.317.

30 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.