Chuyên mục
Châu Âu nỗ lực vực dậy nền công nghiệp quốc phòng

Châu Âu nỗ lực vực dậy nền công nghiệp quốc phòng

Chủ nhật 28/01/2024 05:36 GMT + 7

Cuộc xung đột ở Ukraine được đánh giá đã làm bộc lộ rõ những hạn chế của châu Âu về mặt quốc phòng, khả năng cung cấp phương tiện, vũ khí, trang bị và sản xuất vũ khí, đạn dược. Pháp là quốc gia đang đi đầu trong nỗ lực vực dậy nền công nghiệp quốc phòng châu Âu vốn trì trệ và đang cho thấy sự phụ thuộc nhiều vào vũ khí của Mỹ.


Nỗ lực của Pháp diễn ra trong bối cảnh châu Âu bị chỉ trích vì không bảo đảm việc cung cấp vũ khí, cụ thể là không thực hiện được cam kết cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine. Nhưng thực tế đằng sau là ngành công nghiệp châu Âu, trong đó có Pháp, đang bị trì trệ và việc viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ là một cái cớ để “lục địa già” vực dậy nền công nghiệp quốc phòng của mình trước các nhu cầu bảo đảm an ninh ngày càng cấp bách. Và nhất là nhằm đáp ứng nhu cầu bảo đảm “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu trước thực tế “lục địa già” đang phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ.

Thực tế là khi ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu gia tăng trước nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, “lục địa già” cũng phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, đó là nên chi số tiền để mua vũ khí được phát triển ở châu Âu hay tiếp tục mua vũ khí của Mỹ.

Theo RFI, mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cần tăng khả năng sản xuất nhanh hơn và mạnh hơn vũ khí nhằm viện trợ cho Ukraine. Nhưng trên thực tế, nhà lãnh đạo Pháp từ lâu đã thúc đẩy tham vọng châu Âu phát triển ngành công nghiệp quân sự của riêng mình bằng cách đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào công nghiệp quốc phòng. Nếu không, “lục địa già” sẽ phụ thuộc vào Mỹ mà không có “quyền tự chủ chiến lược” hoặc khả năng định hình chính sách đối ngoại và quốc phòng của riêng mình. Tướng Pierre Schill, Tư lệnh quân đội Pháp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, quyền tự chủ chiến lược của một quốc gia có liên quan chặt chẽ với việc kiểm soát các chuỗi cung ứng quân sự của quốc gia đó. Theo ông, mua thiết bị công nghệ cao từ một quốc gia khác đồng nghĩa với việc tự đặt mình dưới sự kiểm soát của họ. Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu khác cũng lo ngại việc mua công nghệ của Mỹ có thể đi kèm với các quy định về mục đích sử dụng và mức độ chia sẻ công nghệ.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiểm tra hệ thống pháo Caesar trong chuyến thăm căn cứ hải quân Cherbourg của Pháp ngày 19-1. Ảnh: AP.


Thậm chí, nhà lãnh đạo Pháp còn kêu gọi phát triển “một nền kinh tế chiến tranh” gia tăng sản xuất vũ khí của Pháp, gây nhiều quan ngại vì “tiếp lửa” cho chiến tranh. Cụ thể đằng sau thông điệp từng được đề cập nhiều lần của nhà lãnh đạo Pháp là việc đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Ukraine của châu Âu bằng cách tăng số vũ khí viện trợ và rút ngắn thời gian chuyển giao. Theo RFI, trong năm 2024, Pháp sẽ giao khoảng 3.000 đạn pháo mỗi tháng cho Ukraine, thay vì 2.000 như năm 2023 và 1.000 trong thời gian đầu khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát. Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, Chính phủ Pháp vừa cho khởi động lại nhà máy sản xuất thuốc pháo Eurenco ở Bergerac, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025.

Ủy viên châu Âu đặc trách về công nghiệp quốc phòng Thierry Breton cũng đã đề xuất sáng kiến Liên minh châu Âu (EU) lập quỹ 100 tỷ euro để tăng cường khả năng sản xuất vũ khí trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có điểm dừng. Một số nguồn thạo tin cho rằng, trong ý tưởng của Ủy viên Breton, số tiền 100 tỷ euro nhằm phát triển các nhà máy công nghiệp sản xuất vũ khí trên châu lục này, cùng nhau xây dựng một số cơ sở hạ tầng quân sự, kể cả khả năng EU cho ra đời một tàu sân bay mang dấu ấn 27 thành viên của khối. Tuy nhiên, sáng kiến của ông Breton vấp phải những tranh cãi giữa một bên ủng hộ và một bên phản đối do lo ngại sẽ đẩy chi tiêu của toàn khối lên cao. Trong khi đó, một số nhà phân tích lại cho rằng, EU thực sự cần phải khôi phục các kho vũ khí và trang thiết bị quân sự để đáp ứng nhu cầu tự vệ.


XUÂN PHONG

Nguồn: qdnd.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.