Chuyên mục
Kachiusa- bài ca sống mãi

Kachiusa- bài ca sống mãi

Thứ sáu 25/04/2014 17:47 GMT + 7
Bài hát Kachiusa của nhà thơ Mikhain Ixacôpxki và nhạc sĩ Mátvây Bơlanterơ có được một sức sống lâu bền ở nước Nga. Theo lịch sử, vào cuối thế kỉ thứ 18 ở nước Nga có một nàng Kachiusa thường đi hát rong bài Sarơman Catơrin (Catơrin tuyệt vời) cùng với cây đàn dương cầm quay tay. 

 
Từ đó mà có tên gọi tiếng Nga là Sơramanca, nghĩa là hai từ đầu của bài hát ghép lại thành tên gọi của nhạc cụ. Các ca sĩ hát rong mang dương cầm quay tay đi khắp nơi biểu diễn. Người ta dịch lời bài Sarơman Catơrin sang tiếng Nga và rồi từ đấy chỗ nàp cũng thấy vang lên khúc hát: “Ở chốn làng quê, Kachiusa nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp...”

Bài hát trữ tình Kachiusa đã khiến nhiều người phải nghĩ lại và trả về cho cô gái cái tên kỳ diệu. Vlađimia Dakharốp, nhạc sĩ chỉ đạo đoàn ca múa nhân dân Nga mang tên Pianhixki có sáng kiến dùng những bài hát lấy đề tài hiện đại để đổi mới các tiết mục biểu diễn. Trong quá trình tìm kiếm thơ để phổ nhạc, ông đã chú ý đến Mikhain Ixacôpxki. Nhà thơ nhớ lại: “Tôi đưa cho ông ấy bài thơ Chia tay mà tôi đang viết dở và bỏ trên bàn làm việc đã nửa năm rồi. Dakharốp vồ lấy ngay bài thơ này và ... theo đề nghị của ông, tôi đã viết xong hai khổ thơ cuối”.

Thế là nàng Kachiusa đã xuất hiện trong bài thơ Chia tay của Ixacôpxki:

Hãy trao cho tôi cây đàn phong cầm
Đó là những tiếng ca vàng đấy
Chàng trai chia tay cô gái
Sau phút dạo chơi, họ phải trở về nhà
Phải trở về muộn nhất
Kachiusa không vui
Chỉ có đôi chân như còn bùi ngùi
Không muốn quay lại

Cuối bài thơ có dòng chữ đề: năm 1936. Chính nhân vật Côlia – Nhicôlai đã có mặt trong bài hát này. Liệu đây có phải là hình ảnh người lính trong bài Kachiusa đang phục vụ ở biên giới, còn cô gái thì gửi tới chàng lời chào khi nàng đang đứng bên bờ sông dốc cao không? Nhưng lúc này, những nhân vật trong bài hát của Dakharốp vẫn đang sống ở làng quê thân yêu.

Đầu năm 1938, Ixacôpxki viết thêm tám câu đầu bài Kachiusa như sau:

Hoa đào và hoa lê đã nở
Trên sóng nước, làn sương trôi lững lờ
Kachiusa đi ra phía sông
Và dừng lại trên bờ cao dốc đổ
Nàng đứng đó và cất tiếng hát
Về con chim lông xám vùng thảo nguyên
Về một người mà nàng yêu tha thiết
Về những bức thư mà nàng đang giữ đây.

Nhạc sĩ Bơlanterơ đang cần lời cho một bài hát mới bèn yêu cầu thi sĩ viết cho xong bài thơ Kachiusa.Bài hát đã được tân dàn nhạc Quốc gia công diễn ngay trong buổi hoà nhạc đầu tiên dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng V. Cơnưsêvitxki.

Nhà thơ đã chuyển cho nhạc sĩ mấy bản thảo bài thơ Kachiusa hoàn chỉnh. “Tuy vậy, - Ixacôpxki viết, - chính tôi đã chọn một bản mà tôi cho là đạt hơn cả ...”Sau khi bài hát được đài phát thanh truyền đi thì gần như cả nước ai cũng yêu quý Kachiusa. Kachiusa được biết đến và được hát không chỉ ở miền Tây Ucraina mới được giải phóng. Tại miền Tây Bêlarutxia, Hồng quân đã được chào đón bằng bài hát Kachiusa. Thư từ gửi đến Đài phát thanh toàn Liên bang chỉ với dòng địa chỉ ngắn gọn: “Gửi Kachiusa – đài phát thanh Matxcơva”. Không ít người đã chép truyền tay nhau bài Kachiusa, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên và các chiến sĩ lái máy bay.

Rồi, như chuyện vẫn xảy ra với những bài hát tầm cỡ. Kachiusa bắt đầu được hát ít hơn. Nhà văn A. Glatcôp thậm chí đã ghi lại trong nhật ký: “Mùa xuân năm 1940, các bài hát Hải âu, Masa và Thành phố đáng yêu hết sức phổ biến. Đầu năm 1941, Kachiusa vẫn còn được hát. Thế mà không ngờ bài hát lại bị lãng quên nhanh đến như vậy!”

Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc nổ ra đã có hàng trăm, hàng ngàn cô Kachiusa ở lại hậu phương, một lòng chung thuỷ chờ chồng, chờ người yêu đang chiến đấu ở ngoài mặt trận và bằng cách ấy, họ đã sống và chiến thắng. Hàng ngàn Kachiusa đã ra trận. Những bài hát Kachiusa xuất hiện. Trong lời ca cũng như trong thực tế, Kachiusa lúc này là những cô y tá, những nữ chiến sĩ trinh sát, du kích (“Bọn phát xít đã thiêu trụi những vườn đào, rừng lê, triệt hạ tất cả làng quê. Nhưng đêm đêm du kích quân do Kachiusa chỉ huy vẫn hoạt động”). Lời bài hát đã được cải biên cho phù hợp với tình hình lúc đó. Năm 1943, Kachiusa đã trở thành tên một loại súng cối của cận vệ quân. Năm 1944, nhạc sĩ Dakharốp và nhà thơ Ixacôpxki lại sáng tác bài Kachiusa nữa nói về loại vũ khí này.

Trong những năm chiến tranh và thời kỳ đầu hoà bình, Kachiusa đã được cả thế giới cùng hát. Nhà phê bình V. Bakhơtin đã viết trên Báo Văn học: “Kachiusa là bài hát nổi trội nhất trong văn học thành văn và cả trong dân gian. Và không chỉ trong lịch sử nước Nga. Tôi chưa thấy một bài hát trữ tình nào được nhiều người yêu chuộng và hát đắm say đến như vậy.”

Bài hát đã biến cái tên Kachiusa thành huyền thoại. Nay, Kachiusa của Ixacôpxki và Bơlanterơ đã vào tuổi ngoại sáu mươi. Trên bờ dốc cao của con sông Ugra, tỉnh Xmôlenxcơ, nơi chôn rau cắt rốn của Ixacôpxki, bức tượng Kachiusa đã được dựng lên. Dựng tượng cho một bài hát! Có lẽ đây là chuyện hiếm thấy trên hành tinh này. Trong làng Vơxkhôt kề đó, “Bảo tàng về một bài ca” cũng đã được xây cất hoàn chỉnh. Tại đây có trưng bày tất cả những gì có liên quan đến lai lịch của Kachiusa như đĩa hát, sách vở, những bài báo, tạp chí tranh ảnh, hồi ức, thư từ của các chiến sĩ ... Điều lý thú là Bảo tàng này lại nằm trong nhà văn hoá mang tên Ixacôpxki, người đã dùng khoản tiền được giải thưởng Quốc Gia (vì bài Kachiusa và một số bài thơ khác nữa) để xây lại Nhà văn hoá cũ đã bị bọn phát xít thiêu huỷ.

Ngày nay, bài hát Kachiusa gần như trở thành biểu tượng của nước Nga. Hình ảnh Kachiusa của nước Nga với những lời ca trữ tình tuyệt vời về nàng mà mọi người bây giờ vẫn hát luôn nhắc nhở mọi người đừng quên Kachiusa bất tử!

 

 

 

Sinh viên năm 1 Victoria Shmakova trường Đại học quốc gia "Học viện luật Odessa" trình bày.


Катюша

Nhạc: Блантера 
Lời: М.Исаковский 

Расцветали яблони и груши, 
Поплыли туманы над рекой. 
Выходила на берег Катюша, 
На высокий берег на крутой. 
Выходила, песню заводила 
Про степного, сизого орла, 
Про того, которого любила, 
Про того, чьи письма берегла. 
Он ты, песня, песенка девичья, 
Ты лети за ясным солнцем вслед. 
И бойцу на дальнем пограничье 
От Катюши передай привет. 
Пусть он вспомнит девушку простую, 
Пусть услышит, как она поет, 
Пусть он землю бережет родную, 
А любовь Катюша сбережет. 
Расцветали яблони и груши, 
Поплыли туманы над рекой. 
Выходила на берег Катюша, 
На высокий берег на крутой. 

Kachiusa

Đào vừa ra hoa cành lá gió đưa vầng trăng tà,
Ngoài dòng sông, màn sương trắng buông lững lờ.
Kìa bến sông thoáng bóng ai in trên làn sương mờ,
Cất cao lời ca làm rung cỏ cây ven bờ.
Lời hát trong phút giây bay qua làn sương mờ,
Biết không chàng ơi tình Kachiusa đang chờ.
Ngày này năm xưa chàng đã ra đi miền biên thuỳ,
Vì quê hương dù mấy khó khăn không sờn.
Này hỡi ai nhắn cho ta đôi câu về phương trời,
Đến tai người yêu rằng ta nhớ thương đêm ngày.
Rằng chớ quên mối duyên xưa bên dòng sông này,
Giữ yên làng quê tình Kachiusa đang chờ.
Nguồn: huongnghiep.vn
33 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.