Chuyên mục
Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Trump để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận với Ấn Độ

Thuế quan của Mỹ: Tổng thống Trump để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận với Ấn Độ

Thứ tư 02/07/2025 11:32 GMT + 7

Ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, qua đó giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, ông Trump tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận tương tự với Nhật Bản.

 


Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về vấn đề thuế quan, tại Nhà Trắng ngày 27/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN


Phát biểu với báo giới trên chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng Ấn Độ sẵn sàng hạ thấp các rào cản đối với doanh nghiệp Mỹ, qua đó mở đường cho một thỏa thuận có thể giúp Ấn Độ tránh được mức thuế đối ứng mà ông từng công bố ngày 2/4 và sau đó tạm hoãn đến ngày 9/7.

Tổng thống Trump đưa ra thông điệp như trên trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ vẫn đang đẩy nhanh đàm phán thuế quan nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót là ngày 9/7 mà Washington có thể tái áp đặt mức thuế bổ sung đối với hàng hóa của quốc gia Nam Á này vào Mỹ.

Trước đó cùng ngày, trả lời kênh truyền hình Fox News của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính nước này Scott Bessent cho biết Washington và New Delhi đang tiến rất gần tới một thỏa thuận thương mại, qua đó giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ vào quốc gia Nam Á này và giúp hàng hóa của Ấn Độ tránh được nguy cơ bị áp thuế cao hơn sau thời hạn 9/7.

Trong khi đó, nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, phái đoàn nước này đã kéo dài hoạt động thăm và làm việc tại Washington đến hết ngày 30/6 để thúc đẩy đàm phán.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang ưu tiên thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, trước thời hạn chót nói trên.

Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên vẫn vướng phải những khó khăn nhất định về thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, thép và các mặt hàng nông sản. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã phát biểu tại một sự kiện ở New York ngày 30/6 rằng "đàm phán thương mại đang rất phức tạp”, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên đã đi được quá nửa chặng đường trong tiến trình đàm phán này. Ông Jaishankar cũng cho rằng hai bên sẽ cần phải có sự nhượng bộ để đạt được đồng thuận.

Ngoài Ấn Độ, hiện nhiều nước khác trong đó có Nhật Bản đang theo đuổi những chương trình nghị sự riêng trong đàm phán thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bày tỏ hoài nghi về triển vọng đàm phán với Nhật Bản. Trả lời báo giới, ông Trump cho rằng Nhật Bản chưa đáp ứng một số yêu cầu cơ bản của Mỹ, trong đó có việc cho phép nhập khẩu gạo Mỹ vào thị trường của quốc gia châu Á này. Ông Trump cũng đề cập đến khả năng áp mức thuế 30% hoặc 35% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, cao hơn đáng kể so với mức 24% mà ông công bố ngày 2/4 vừa qua song sau đó tạm hoãn.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi ngày 1/7 cho biết nước này đã yêu cầu phía Mỹ thêm thời gian để đàm phán một thỏa thuận thương mại trước khi mức thuế quan cao hơn có hiệu lực vào ngày 9/7.

Với Nam Phi, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế đối ứng 31% đối với hàng nhập khẩu nhập khẩu vào Mỹ, trước khi tạm dừng áp dụng trong 90 ngày để đàm phán.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Nam Phi đang đặt mục tiêu đảm bảo một thỏa thuận thương mại sẽ miễn một số mặt hàng xuất khẩu chính của nước này khỏi thuế quan, bao gồm ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm. Đổi lại, Nam Phi cũng đề nghị mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh cho biết, trong kịch bản bất lợi nhất, nước này cũng đang tìm cách để Mỹ chỉ áp mức thuế quan tối đa 10%. Tuần trước, các quan chức Nam Phi đã gặp Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách khu vực châu Phi, bà Connie Hamilton, trong khuôn khổ hội nghị ở thủ đô Luanda (Angola) và được biết rằng Mỹ đang xây dựng một khuôn mẫu để sử dụng cho các hoạt động hợp tác với các quốc gia châu Phi. Trước diễn biến này, Nam Phi và các nước khác ở khu vực châu Phi đã ủng hộ việc gia hạn thời hạn 90 ngày để các nước có thể chuẩn bị các thỏa thuận đề xuất của mình theo khuôn mẫu mới.


Nguyễn Hà - Hoàng Minh

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.