Chuyên mục
Rồng phun lửa, cọp gầm Đông Bắc Á
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Rồng phun lửa, cọp gầm Đông Bắc Á

Thứ bảy 18/08/2012 15:58 GMT + 7
Một tuần trở lại đây, tình hình khu vực Đông Bắc Á đột ngột nóng lên. Quan hệ giữa những con rồng con hổ châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng, thậm chí có nguy cơ biến thành đụng độ xung quanh các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, tình hình rồi sẽ sớm được hạ nhiệt mà Mỹ là một nhân tố quan trọng không thể bỏ qua.

Quá khứ ám ảnh

Xét về góc độ lịch sử, Nhật Bản là quốc gia “mắc nợ” cả với Hàn Quốc và Trung Quốc. Gần 7 thập kỷ trôi qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc (1945-2012), quá khứ đau buồn về một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử loài người vẫn chưa nguôi ngoai đối với người dân Đông Bắc Á.

Người dân trên bán đảo Triều Tiên có lẽ chưa thể quên những năm tháng bị quân đội Nhật chiếm đóng (1910-1945). Còn người Trung Quốc hiện vẫn nhắc tới các sự kiện tang thương do quân đội phát xít Nhật gây ra trong Thế chiến II như vụ thảm sát Nam Kinh khiến hàng nghìn người thiệt mạng.


Nhật Bản kỷ niệm 67 năm kết thúc Thế chiến II, ngày 15/8/2012 tại Tokyo

Ngày 15/8 năm nay đánh dấu đúng 67 năm Thế chiến II kết thúc. Người Trung Quốc “hân hoan” gọi đây là ngày “Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II” – Theo cách nói của Tân Hoa Xã. Trong khi đó, Hàn Quốc kỷ niệm ngày này với ý nghĩa ngày Độc lập, ngày thoát khỏi ách thống trị của phát xít Nhật. “Món nợ” lịch sử này đã và đang là lực cản trong quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngày 14/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi Nhật Hoàng Akihito lên tiếng xin lỗi chính thức đối với người dân Hàn Quốc về thời kỳ quân đội Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Ông Lee Myung-bak cho rằng Nhật Hoàng Akihito nên xin lỗi vì sự thống trị thực dân của nước này trên bán đảo Triều Tiên nếu muốn đến thăm Hàn Quốc.

Một ngày sau, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Độc lập ở thủ đô Seoul, ông Lee Myung-bak một lần nữa yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm đối với các phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong quá khứ.


Tổng thống Lee Myung-bak phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Độc lập tại Seoul ngày 15/8

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 15/8 tuyên bố phản đối yêu cầu của Tổng thống Hàn Quốc. Ông Gemba nói: "Khó có thể hiểu nổi tại sao hôm qua Tổng thống Lee lại đưa ra đề nghị kiểu như vậy. Thật hết sức đáng tiếc".

Ông cũng cho biết thêm Nhật Bản chưa từng đề cập việc Nhật Hoàng thăm Seoul với Chính phủ Hàn Quốc, và rằng bất cứ tuyên bố hay hành động nào mang tính kích động chủ nghĩa dân tộc sẽ không có lợi cho Hàn Quốc.

Liên quan tới vấn đề nô lệ tình dục, phía Nhật Bản nhiều lần khẳng định vấn đề đã khép lại với hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1965. Năm 1993, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yohei Kono đã đưa ra thông báo xin lỗi.

Hai năm sau, Nhật Bản thành lập một quỹ bồi thường cho những phụ nữ nêu trên. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho rằng các động thái trên là không chính thức và vì vậy là chưa đủ.


Đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản

Đang giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, hai vị bộ trưởng trong Chính phủ Nhật Bản bất chấp khuyến cáo của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã thực hiện một chuyến thăm viếng gây tranh cãi tới ngôi đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo.

Đây là ngôi đền thờ các binh sỹ Nhật Bản chết trong chiến tranh từ thế kỷ XIX, trong đó có nhiều nhân vật từng bị kết tội là tội phạm chiến tranh trong Thế chiến II. Không ít ý kiến cho rằng ngôi đền này là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Hàn Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc về chuyến thăm này, coi đây là hành động “vô trách nhiệm” và không đếm xỉa tới "cảm nghĩ của các nước khác cũng như những người dân là nạn nhân của đế quốc Nhật trong quá khứ".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ giữ lời hứa và duy trì quan hệ Trung-Nhật bằng những hành động cụ thể". Ông Tần cho rằng tính nan giải của vấn đề đền Yasukuni là ở chỗ liệu Nhật Bản có nhìn nhận và hành xử đúng đắn với quá khứ xâm lược của mình hay không.

Tranh chấp biển đảo

Bên cạnh vấn đề lịch sử, quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á này còn gặp một trở ngại lớn khác liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản và Hàn Quốc tranh chấp quần đảo mà Hàn Quốc kiểm soát và gọi là Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Takeshima.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).


Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm quần đảo tranh chấp Dokdo, mà Nhật Bản gọi là Takeshima ngày 10/8

Ngày 10/8, Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ của mình tại Hàn Quốc để phản đối chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak tới Dokdo (Takeshima). Hai nước sau đó còn hoãn hội nghị bộ trưởng tài chính lần thứ bảy do tình hình căng thẳng leo thang.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak là "rất đáng trách", đồng thời cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ đáp trả hành động trên sau khi tham vấn với các thành viên nội các, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản Noda cũng chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận "ngoại giao con thoi" giữa lãnh đạo hai nước mà theo kế hoạch Thủ tướng Noda sẽ sang thăm Hàn Quốc trong năm 2012.


Các nhà hoạt động Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ ngày 15/8

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 15/8, Nhật Bản đã bắt giữ tổng cộng 14 nhà hoạt động Hong Kong, trong đó có 7 người đã đặt chân lên quần đảo Senkaku.

Cảnh sát tỉnh Okinawa của Nhật Bản cho hay những nhà hoạt động này đã phớt lờ cảnh báo từ phía Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa đến để phản đối vụ bắt giữ này, coi đây là "hành động bất hợp pháp".

Còn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa đến để chuyển công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh.

Không ít học giả quốc tế nhận định những ký ức cay đắng và sự ganh đua hiện tại đang khiến cho mối quan hệ giữa 3 nước Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng hơn và có nguy cơ rạn vỡ.

Hoài nghi và con bài chính trị

Giáo sư Gerry Curtis thuộc Đại học Columbia nhận định: "Nhật Bản chưa bao giờ thuyết phục được các nước láng giềng của mình rằng họ đã thật sự ăn năn vì những gì họ đã làm".

Ông cũng nhấn mạnh thái độ hoài nghi cố hữu của Bắc Kinh và Seoul đối với những lời xin lỗi của Tokyo về những hành động thái quá của họ trong thời kỳ xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc và tiến hành thực dân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ông nói: "Cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều sẽ không dễ dàng bỏ qua vấn đề này bởi đó cũng là điểm có thể lợi dụng về mặt chính trị".

Còn chuyên gia Andrew Horvat, Giám đốc Trung tâm Standford ở Kyoto, nói: "Tất cả những điều này đều cho thấy một thực tế là khu vực này thiếu một quan điểm chung về quá khứ".


Chuyến thăm của ông Lee Myung-bak tới quần đảo tranh chấp với Nhật Bản là chiêu bài chính trị?

Giới phân tích cho rằng do phải đối mặt với sự ủng hộ ngày càng suy giảm và trước mắt là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới, Tổng thống Lee Myung-bak muốn tận dụng tâm lý chống Nhật trong chuyến thăm công khai tới các đảo tranh chấp.

Chuyến thăm này sẽ giúp Đảng Bảo thủ của ông giành thêm lá phiếu ủng hộ từ cử tri. Chuyên gia Andrei Lankov tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc, cho biết: “Đa số người dân Hàn Quốc đều không coi Nhật Bản là một đồng minh, bất chấp việc cân nhắc tới các vấn đề chiến lược. Chỉ trích Nhật Bản đã trở thành một cách để thể hiện tinh thần yêu nước, một chiến thuật tốt để tăng cường sự ủng hộ của dân chúng".

Chúng ta cần có nhau

Không loại trừ các tranh chấp lãnh thổ hiện nay có thể dẫn tới đụng độ giữa các bên. Tuy nhiên, căng thẳng sẽ sớm được hạ nhiệt bởi hai yếu tố chính. Thứ nhất, cả 3 nước đều “cần có nhau” và một môi trường hòa bình, ổn định để thoát khỏi những khó khăn kinh tế trước mắt.

Yếu tố quan trọng thứ hai chính là Mỹ. Siêu cường này có lẽ không muốn hai đồng minh chủ chốt của mình ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc sa vào một cuộc chiến “nội bộ” rồi ảnh hưởng tới chiến lược trở lại châu Á của họ.

Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa hai nước sẽ giúp khống chế căng thẳng trong tầm kiểm soát.

Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2011 giữa Trung Quốc và Nhật Bản tăng trên 14%, đạt mức kỷ lục là 345 tỷ USD. Đây là một con số biết nói và đặc biệt có ý nghĩa trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.


Cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều "cần có nhau" trong thời điểm hiện tại

Giới phân tích cũng nhận định rằng căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ mang tính tạm thời. Theo chuyên gia Scott Snyder thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ đối ngoại, vị Tổng thống mới của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử vào tháng 12 tới chắc chắn sẽ lại tìm cách thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản.

Cũng chưa cần phải chờ tới thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young ngày 16/8 tuyên bố Seoul mong muốn "cải thiện hơn nữa quan hệ song phương với Nhật Bản trong khi vẫn thẳng thắn nhìn vào lịch sử".

Bên cạnh đó, người Mỹ cũng hiểu rằng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lợi cho chiến lược của họ ở châu Á nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Hai nước đồng minh ở Đông Bắc Á là căn cứ của hơn 75.000 lính Mỹ, một lực lượng đáng kể “nắn gân” Trung Quốc.

Mỹ có lẽ cũng không muốn công sức lôi kéo Seoul và Tokyo tham gia “vòng cung” bao quanh Trung Quốc trải dài từ Australia đến Ấn Độ trở thành công dã tràng.


Lính Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung

Bài học đắt giá mới đây đối với Mỹ là việc Hàn Quốc và Nhật Bản hồi tháng Sáu vừa qua đột ngột đình chỉ việc ký kết một thỏa thuận lịch sử chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm.

Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ thông tin về quân đội Triều Tiên và Trung Quốc, hỗ trợ Mỹ trong kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa tại Đông Bắc Á.

Căng thẳng hiện nay ở Đông Bắc Á rồi sẽ sớm hạ nhiệt. Tuy nhiên, những bất đồng trong quan điểm về quá khứ cũng như nguồn dầu khí khổng lồ nằm gần các khu vực tranh chấp có thể làm bùng nổ những đợt căng thẳng mới bất cứ lúc nào.
 
Đông Triều
Nguồn: phunutoday.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.