Chuyên mục
Ký ức đau thương vụ “bê bối tình dục” chấn động Hà Giang
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ký ức đau thương vụ “bê bối tình dục” chấn động Hà Giang

Thứ ba 01/10/2013 15:33 GMT + 7
Thấy cô con gái mới học lớp 8 hớt hải chạy về với khuôn mặt tái mét rồi mếu máo “mẹ ơi, con bị mấy chị lừa và bắt ngủ với một...”, chưa nói dứt câu, đã khóc toáng lên đầy vẻ sợ hãi. Biết có chuyện chẳng lành xảy ra với cô con gái của mình, chị P. chỉ còn cách lựa lời động viên để con kể lại hết câu chuyện... Và nước mắt đã rơi. 

Thương thay cũng một kiếp người

Phải rất khó khăn, chúng tôi mới tìm được đến nhà cháu Nùng Thị Nh. (SN 1996) – một trong 9 nạn nhân trong vụ án Sầm Đức Xương. Quả thật khi đến được đây, được ngồi để nghe chị Chu Thị P. (SN 1968) – mẹ của cháu Nh. kể về quãng thời gian gia đình họ vừa trải qua và những khó khăn đang chờ ở phía trước, chúng tôi cũng thấy tái tê.

Đường vào nhà cháu Nh. phải đi qua những khúc cua tay áo, những chiếc dốc trơn trượt, có chỗ lởm chởm đá hộc, làm cho chiếc xe máy của chúng tôi chốc chốc lại gầm lên rồi nhả khói đen kịt liên hồi. Mặc dù chỉ cách Quốc lộ 2 khoảng 5km, nhưng để đến được thôn Khuổi Chậu, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chúng tôi phải mất gần một giờ đồng hồ.

Căn nhà tạm của chị P. đóng cửa im lìm, nhìn vào như một căn nhà hoang. Phải gọi đến câu thứ tư, mới có người lẹt kẹt ra mở cửa. Một người đàn bà gày còm héo úa, sau khi nhìn một hồi lâu với những vị khách không mời rồi cất giọng đầy vẻ mệt nhọc, đứt quãng: “C..á..c ch…ú tì..m ai?”. Khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên, người phụ nữ này mới lập cập mời khách vào nhà.

 
Ngôi nhà tạm bợ của gia đình cháu Nùng Thị Nh – Anh P.D.

Trong lúc hỏi đường vào đây, những người dân của thôn Khuổi Chậu đều tỏ vẻ xót xa cho biết: “Thương lắm các chú ạ. Con gặp nạn, có người đàn ông trụ cột trong nhà lại mắc bệnh hiểm nghèo vừa mới mất. Giờ chỉ có cô P. nên cuộc sống gia đình luôn rơi vào cảnh bí bách. Lúc nào cũng phải sống cảnh lo ăn từng bữa. Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ lắm. Nhưng ngặt một nỗi, ai cũng nghèo, hàng xóm cũng chỉ đủ ăn, nên đành chịu”.

Khuôn mặt hốc hác, chị P. chậm rãi kể về quãng thời gian với những giông tố xảy ra trong gia đình mình. Vốn quê gốc ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đầu những năm 90, chị P. khăn gói lên làm công nhân cho một nhà máy chè tại huyện Vị Xuyên. Duyên số run rủi, năm 1994, chị P. đã gặp và đi tới hôn nhân với anh Nùng Văn S. – người dân tộc Nùng ở mãi xã Tụ Nhân, huyện biên giới Hoàng Su Phì rồi về bản Khuổi Chậu (thời điểm đó vẫn gọi là bản), xã Quảng Ngần định cư.

Hai năm sau, anh chị đã đón cô con gái đầu lòng, đặt tên Nùng Thị Nh.. Sau một thời gian, do làm ăn thua lỗ nên công ty chè đã phải giải thể, chị P. đành ở nhà quanh quẩn ruộng vườn, chăm chồng, nuôi con. Tiếp đến cô con gái thứ hai ra đời, để tăng thêm thu nhập, mỗi khi mùa vụ kết thúc, anh S. lại theo cánh thợ xây cùng thôn đi thầu khoán xây dựng cho những gia đình ở địa phương

Nhờ sự chung sức, đồng lòng mà cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng này cũng gọi là đủ ăn. Hạnh phúc hơn khi mỗi buổi tổng kết năm học, anh chị lại thấy cô con gái đầu lòng mang tấm giấy khen học sinh giỏi về khoe. Thấy con gái chăm chỉ học hành và có được thành quả như vậy, anh chị càng quyết tâm hơn với mong muốn sau này nó sẽ không phải khổ ải, cày cuốc một nắng hai sương như bố mẹ nó.

Vậy nhưng, tất cả đã vỡ vụn khi một buổi chiều tháng 8/2009, chị P. nhìn thấy cô con gái nhỏ bé lếch thếch đi về nhà, vừa đi vừa tấm tức khóc. Bằng linh cảm của một người mẹ, chị P. như muốn ngất đi khi thầm nghĩ, phải chăng đã xảy ra chuyện động trời với con mình rồi. Phải mất một lúc lâu dỗ dành, cháu Nh. mới kể lại câu chuyện đã xảy ra trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Cái Tr. (Nguyễn Thị Thu Tr. (SN 1996) rủ xuống huyện Bắc Quang chơi nên con cũng đi theo. Ai ngờ khi xuống đó, cái Tr. lại giới thiệu con cho một chị tên là Th. (Nguyễn Thanh Th. (SN 1995) rồi chị này đưa con lên gặp một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Và ông ấy đã…”. Nghe đến đó là chị hiểu, hai mẹ con ôm nhau và chỉ còn biết khóc. Người mẹ chết lặng, tưởng như có ai thọc tay vào tận tim mình mà thít lại. Thời điểm ấy, cháu Nh. mới chỉ là học sinh học lớp 8.

Ngay sau đó chị đã viết đơn trình báo lên chính quyền địa phương. Đồng thời yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để tìm ra kẻ đã làm chuyện đồi bại với cô con gái của mình.

 Sa cơn bão tố

Vụ án Sầm Đức Xương được công an huyện Vị Xuyên, công an tỉnh Hà Giang khẩn trương điều tra, một loạt các đối tượng (cả người môi giới và người bị hại) được triệu tập, trong đó có Nùng Thị Nh. Kể từ ngày vụ án được xét xử, đến nay, theo thời gian cũng lắng xuống. Nhưng những nạn nhân trực tiếp và nhiều số phận bên lề bản án vẫn phải đương đầu với những nỗi đau giằng xé tâm can. Họ vẫn phải sống và đối mặt với sự nghiệt ngã không tên mà số phận không dễ buông tha cho họ. Cháu Nh., do không chịu nổi những áp lực và điều tiếng gièm pha, đành bỏ học giữa chừng.

 
Chị Chu Thị P.: “Cứ thế này thì không biết tương lai của ba đứa con và đứa cháu ngoại của tôi
sẽ như thế nào…” – Anh P.D

Con nghỉ học chưa được bao lâu, cuối năm 2011, anh S. có những biểu hiện lạ, tinh thần mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Trước tình trạng như vậy, anh chị đã khăn gói xuống tận Hà Nội để thăm khám. Cầm tờ giấy kết quả, chị P. không thể tin vào mắt khi biết anh S. đã ung thư gan giai đoạn 3, sự sống chỉ tính bằng ngày.

Con gái vừa bị người ta hãm hại, nay lại mắc căn bệnh hiểm nghèo, ý chí anh S. chồng chị P. suy sụp hoàn toàn. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho căn bệnh nặng thêm. Kinh tế vốn không dư dả, người thân, họ hàng cũng không giàu có, bao nhiêu tiền của tích cóp từ bấy lâu nay, chỉ phút chốc đã ra đi trong cơn bạo bệnh của anh S.. Cuối năm 2012, anh S. đã trút hơi thở cuối cùng bỏ lại ba mẹ con chị P. trong căn nhà giờ vắng bóng đàn ông.

Niềm hạnh phúc sau tận cùng đau khổ

Cuộc sống luôn có những điều kỳ lạ, tưởng chừng như không thể, mà vẫn xảy ra. Đó cũng là một sự bù đắp của số phận dành cho những người không may rơi vào cảnh trái ngang. Chị P. thổ lộ: “Cháu Nh. giờ đã là mẹ một cháu trai mới được hơn 1 tháng tuổi. Vợ chồng chúng nó gặp nhau từ thời điểm đầu năm 2012. Mặc dù biết cái Nh. đã từng bị bọn xấu dụ dỗ nhưng khi hiểu được toàn bộ đầu đuôi câu chuyện, chồng nó đã động viên, đồng cảm và quyết làm một bờ vai cho cái Nh. nương tựa.

 
Cháu Nùng Thị Nh. (ảnh áo trắng giữa) khi chụp lưu niệm cùng gia đình – Anh P.D

Tuy nhiên, do nghề nghiệp không ổn định nên hiện tại cuộc sống của chúng nó cũng rất khó khăn”. Cũng theo chị P., đợt sinh nở vừa rồi, do cháu Nh. gặp trục trặc về sức khỏe nên phải xuống bệnh viện huyện Vị Xuyên nhờ các bác sĩ can thiệp bằng biện pháp mổ đẻ. “Mặc dù cháu nó vẫn còn yếu, nhưng vì sức cùng, lực kiệt nên tôi và chồng nó quyết định đưa hai mẹ con nó về để chăm sóc. Trộm vía, được Trời Phật phù hộ nên thằng bé (cháu ngoại chị P.) cũng rất ngoan, cứ ăn no rồi lại lăn ra ngủ”,  chị P rưng rưng xúc động nói…

Chia tay chị P. đúng vào lúc những đám mây đen cuồn cuộn vần vũ kéo về, bất giác tiếng khóc oe oe của đứa cháu ngoại chị P. làm cho chúng tôi nao lòng. Nỗi ám ảnh về ánh mắt và tiếng thở dài của P. cứ đeo bám tâm trí chúng tôi. Tự hỏi, với tình cảnh này, tương lai của ba đứa con và đứa cháu ngoại chị P. sẽ đi về đâu?. Bất giác chúng tôi nhìn lên vách núi xa xa, có hai vệt nước mờ mờ, ngỡ như là lệ đá đang rơi …                                                                                                         
Ký ức đau thương

Từ ngày đó đến nay đã được 5 năm nhưng những ký ức đau thương vẫn không thể nào quên được trong tâm trí của người mẹ khốn khổ này. Không chỉ có thế, trong thời điểm hiện tại và tương lai, chị P. cũng chưa biết làm cách nào để vươn lên thoát nghèo bởi cuộc sống hiện nay của chị và các con của mình luôn trong cảnh…  “một bữa no”.
Nguồn: doisongphapluat.com
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.