Chuyên mục
Chủ tịch Hồ Chí Minh-  Người đặt nền móng cho nền giáo dục vì nhân dân ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người đặt nền móng cho nền giáo dục vì nhân dân ở Việt Nam

Thứ hai 20/11/2023 03:50 GMT + 7

Không chỉ là nhà văn hóa, nhà cách mạng, nhà tư tưởng lớn, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh còn là một nhà giáo dục. Di sản của Người về giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người hết sức phong phú, nó tiếp nối những giá trị văn minh của thời đại, trên nền tảng giá trị truyền thống dân tộc, phản ánh nhu cầu của đất nước, những chuyển biên của thười đại nhằm xây dựng một nền giáo dục vì dân ở Việt Nam. 


Tầm vóc lớn lao của sự nghiệp văn hóa của một danh nhân thường được nhìn nhận và khẳng định trên bình diện người đó lĩnh hội và sáng tạo những giá trị văn hóa cao đẹp trong quá trình kết tinh truyền thống văn hóa của dân tộc và hấp thu tinh hoa trong các nền văn minh lớn của loài người, thấm nhuần các giá trị văn hóa đó trong các lĩnh vực hoạt động và quan hệ xã hội, trong nhiều mặt đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đặc biệt hơn, những hoạt động đó góp phần vun trồng và làm nảy nở những nét nhân cách tốt đẹp phổ biến trong các tầng lớp xã hội, trao truyền qua các thế hệ theo những giá trị văn hóa tỏa ra từ nhân cách vĩ đại của người đó. Theo ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam. 


Là một bộ phận của sự nghiệp cứu dân, cứu nước giải phóng dân tộc, giải phóng con người, phục hưng văn hóa, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khai sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, hướng về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hướng về các giá trị độc lập tự do, hạnh phúc của đất nước, của nhân dân, hướng vào việc phát triển và hoàn thiện nhân cách trong mỗi con người. Mục tiêu của Người trong việc thiết lập, xây dựng một nền giáo dục mới thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhân văn, đáp ứng mong muốn của dân tộc trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Với vai trò vị trí của mình, quan điểm giáo dục mới của Hồ Chí Minh có tính chất định hướng, chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam trong thời đại mới đó là nền giáo dục vì dân.


Xuất phát từ quan điểm coi trọng vai trò vị trí của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn  kết của nhân dân…. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”1 Hay Người nói rõ mục đích của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là “làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ”2… Chính vì vậy, trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: “Giáo dục là nhằm vào mục đích thật thà phụng sự nhân dân”, “cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Theo quan điểm đó, việc giáo dục dạy và học phải đem lại cho nhân dân, cho mỗi người học, lợi ích cơ bản lâu dài cũng như cấp bách trực tiếp, lợi ích chính trị, kinh tế cũng như văn hóa xã hội, lợi ích phát triển và hoàn thiện nhân cách cá nhân cũng như phát triển và hoàn thiện xã hội.


Để thực hiện việc xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, khoa học, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Người đã phát động phong trào chống nạn thất học, làm cho mỗi người dân đều “biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”, là để “nâng cao dân trí”, để mỗi người dân có kiến thức mới tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, “để giữ vững nền độc lập” và “làm cho dân mạnh, nước giàu”. Thành lập Nha thể dục để “khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục”, là cốt “giữ gìn bồi đắp sức khỏe” của mỗi người dân, vì “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”, vì “mỗi người dân yếu ớt là cả dân tộc yếu ớt” trái lại “dân cường thì nước thịnh”.


Người đã xác định ngay từ đầu là sau khi dạy cho dân thoát nạn mù chữ, phải dạy những hiểu biết thường thức để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xây dựng nền giáo dục mới là để đào tạo thế hệ trẻ thành “những người công hữu ích cho nước Việt Nam” để “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, để “Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, … làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”4. Tư tưởng cơ bản đó đã được Hồ Chí Minh ghi lại ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.


Với mong muốn xây dựng một nền giáo dục mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Trước hết phải từ bỏ thái độ thờ ơ với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, từ bỏ mục đích đi học cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp, còn số phận dân tộc thế nào, không hay, không biết gì hết. Nhà trường mới phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân, phải đảm bảo cho học sinh những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế, thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia những công tác xã hội ích nước, lợi dân...


Thứ hai, để thực hiện tư tưởng chủ đạo nền giáo dục mới, việc dạy và học trong nhà trường mới phải chú ý đầy đủ các mặt giáo dục ở các bậc giáo dục: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức, cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Đặc biệt, Người nhiều lần nhắc nhở “chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi công của dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc”, “giữ đúng đạo đức công dân, tức là: tuân theo pháp luật nhà nước. Tuân theo kỷ luật lao động. Giữ gìn trật tự chung. Đóng góp (đóng thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. Hăng hái tham gia công việc chung. Bảo vệ tài sản công cộng. Bảo vệ Tổ quốc”5.


Thứ ba, để thực hiện mục đích của nền giáo dục mới tiến bộ, nhân văn, khoa học thì thầy và trò phải ra sức thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp chất lượng và hiệu quả của giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”. Người đã chỉ ra cốt lõi của việc dạy và học kiểu mới đó là “kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực hành, giáo dục với lao động, văn hóa với đạo đức cách mạng”. Người khuyên trong dạy và học “việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề”, “cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều”, “phải nhằm đúng nhu cầu”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, phải “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Để đảm bảo cho việc dạy tốt học tốt “Phải liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, với xã hội, giữa nhà trường với các đoàn thể, trước hết là đoàn thể thanh niên”. Và cần phải phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy với thầy, thầy với trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân”.


Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.


Một trong những thành tựu trong hơn 35 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em đúng độ tuổi được đến trường, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Đến nay, Việt Nam đã có 700 trường đại học, học viện và trường cao đẳng với gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ, 500 chương trình đào tạo, phối hợp với nhiều trường đại học trên thế giới và nhiều chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế. (số liệu 2020). Bước sang thiên niên kỷ mới, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế.


Điều cơ bản nhất trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay là định hướng việc dạy và học cũng như việc tổ chức giáo dục vào việc phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của mỗi con người, cho những lợi ích đa dạng của nhân dân, cho nhu cầu nhiều mặt của xã hội, cho sự phồn vinh của đất nước và cho sự thắng lợi của những giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội. 
Tìm hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đặt nền móng, xây dựng nền giáo dục mới phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của Người chúng ta sẽ tìm thấy định hướng đúng đắn cho sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.

 

Trần Thị Bích Thủy


1, Trích trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học Nhân dân Việt Nam”, ngày 8-12-1956.
2, Trích trong Bài nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị Sư phạm vào tháng 7 năm 1956,
3, Trích trong “Thư gửi các em học sinh”. (24/10/1955) 
4, Sđd, t.9, tr.259, 179.


27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.