Chuyên mục
Bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt tại Nga

Bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt tại Nga

Chủ nhật 15/09/2024 10:25 GMT + 7

Lần đầu tiên Ngày hội tiếng Việt diễn ra tại một trường phổ thông của Nga với mong muốn gieo hạt giống ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ trẻ để các em khi trưởng thành sẽ luôn cảm nhận và tự hào về cội nguồn.

Tiết mục múa “Chào Việt Nam” do các em nhỏ Việt Nam tại Ulyanovsk trình diễn tại Ngày hội tiếng Việt. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

 

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 14/9, Ngày hội Tiếng Việt được tổ chức tại thành phố Ulyanovsk, thành phố quê hương của lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin - thành phố kết nghĩa với tỉnh Nghệ An của Việt Nam.

Ngày hội tiếng Việt lần thứ 4 này do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp với Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị,” Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” tổ chức.

Sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga nói chung, cũng như thúc đẩy giao thoa văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nước Việt-Nga và càng thêm có ý nghĩa khi diễn ra tại trường trung học số 76 mang tên Hồ Chí Minh của Ulyanovsk.

Chính quyền sở tại cũng rất quan tâm đến sự kiện này. Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Ulyanovsk Evgeny Miller cùng đại diện lãnh đạo chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh và thành phố đã tham dự và phát biểu chúc mừng.

Trước các vị quan khách sở tại, các nhà tổ chức và 50 em học sinh Việt Nam và Nga, các em nhỏ nhất chỉ mới 6-7 tuổi, cùng các phụ huynh quan tâm đến tiếng Việt, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam đã đọc thư của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi chào mừng sự kiện.

Trong thư, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã dẫn lời Bác Hồ kính yêu nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”

 

Rất nhiều phụ huynh hào hứng cùng con em mình đón chào Ngày hội tiếng Việt. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

 

Nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của tiếng Việt, tạo cơ hội cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, giao lưu, đặc biệt là trải nghiệm thú vị cho các bạn trẻ nước ngoài và Việt Nam.

Đại sứ Đặng Minh Khôi tin tưởng rằng chương trình sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực, khơi gợi sự quan tâm và tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong các em sinh ra và lớn lên trong môi trường xa quê hương, không có điều kiện thực hành ngôn ngữ mẹ đẻ.

Điều này sẽ không chỉ giúp các em tự hào về nguồn cội dân tộc mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những mối quan hệ thân thiện, bền vững giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Chương trình trải nghiệm tiếng Việt, được Tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” thiết kế, như một chuyến du lịch ra khơi xa.

 

Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa (giữa), phụ trách bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam và Tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” trao tặng cuốn giáo trình “Chào Tiếng Việt” cho hiệu trưởng trường 76 Liudmila Grechko. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

 

Dưới sự “cầm lái” của thuyền trưởng Thụy Anh, 4 “thủy thủ đoàn nhí” gồm cả các em nhỏ người Nga và Việt Nam đã cùng thi đua vượt qua “con sóng” đánh vần và nhận mặt chữ cái tiếng Việt qua hình ảnh trực quan, từng bước cảm nhận sự thu hút của “đại dương tiếng Việt,” được cổ vũ khích lệ mỗi khi vượt qua thử thách, tự tin “cầm bánh lái” khám phá.

Những nét đặc sắc, độc đáo của tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, từ ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục về tập tục đã được giới thiệu qua hình thức trò chơi và được tất cả các em đón nhận với tiếng cười và sự ngời sáng trong ánh mắt.

Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng thay mặt các bên tổ chức cho biết đây là lần đầu tiên Ngày hội tiếng Việt diễn ra tại một trường phổ thông của Nga vì muốn hướng đến chính thế hệ mai sau, muốn gieo những hạt giống ngôn ngữ ngay từ lứa tuổi rất nhỏ, mong mỏi các em dù trưởng thành ở xa Tổ quốc vẫn cảm nhận cội nguồn, tự hào về cội nguồn và luôn mang trong tim tâm hồn Việt giàu lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt “Đoàn Kết” từ lâu đã được công nhận chính thức tại Ulyanovsk, với ý thức hội nhập và xây dựng quê hương thứ hai cộng đồng luôn nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của chính quyền sở tại.

Giám đốc Sở Ngoại vụ E.Miller cho biết cộng đồng “Đoàn Kết,” đứng đầu là Chủ tịch Trịnh Văn Quế, đã được đăng ký chính thức là một pháp nhân tại Ulyanovsk và rất có uy tín đối với chính quyền tỉnh vì những đóng góp và nỗ lực của mình cho việc phát triển hợp tác giữa Ulyanovsk với các đối tác Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá và giáo dục.

Ông Miller cũng rất tin tưởng vào tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Ulyanovsk với tỉnh Nghệ An, hai tỉnh quê hương của hai vị lãnh tụ vô sản kiệt xuất V.I.Lenin và Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện để thiết lập các mối quan hệ hợp tác, cũng như thực hiện các dự án song phương.

 

Trường trung học số 76 mang tên Hồ Chí Minh tại Ulyanovsk được chọn làm nơi tổ chức Ngày hội tiếng Việt lần thứ 4. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

 

Địa điểm tổ chức Ngày hội Tiếng Việt cũng rất có ý nghĩa biểu tượng – trường trung học số 76 mang tên Hồ Chí Minh, nơi đặt bảo tàng mang tên Người.

Nhiều năm qua cùng với tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên đại lộ mang tên Người cũng tại Ulyanovsk, bảo tàng đã trở thành “địa chỉ Đỏ” đón tiếp các đoàn đại biểu từ Việt Nam.

Các “hướng dẫn viên nhí” là học sinh của trường có thể giới thiệu rất đầy đủ và chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga và tiếng Anh cho thấy sự quan tâm và trân trọng từ phía nhà trường với lãnh tụ Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.

Hiệu trưởng trường 76, bà Lyudmila Grechko, cho biết nhà trường rất vinh dự được chọn để tổ chức Ngày hội Tiếng Việt.

Từ phía Việt Nam sự kiện là sự quảng bá văn hoá, ngôn ngữ, còn đối với phía Nga, sự kiện rất đáng khâm phục và học tập ở ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, trong đó có thông qua tình cảm kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cũng như sự quan tâm của Hội người Việt và Đại sứ quán đến thế hệ trẻ.

Bà cũng hy vọng có thể tổ chức dạy tiếng Việt tại nhà trường như một môn học chính thức.

Sự hứng khởi ban đầu của các em với tiếng Việt và văn hóa Việt từ Ngày hội còn rất cần phải được nuôi dưỡng hàng ngày để có thể thấm sâu và lan tỏa như con sóng gối đầu nhau để chụm vào bờ, trong đó vai trò của gia đình và cơ quan đại diện là rất lớn.

Ngay sau sự kiện, từ thủ đô Moskva, Đại sứ Đặng Minh Khôi đã gọi điện chúc mừng thành công và cảm ơn sự ủng hộ của chính quyền sở tại, ghi nhận các nỗ lực đóng góp của các nhà tổ chức và bà con cộng đồng.

Đại sứ khẳng định tới đây sẽ có những hoạt động thiết thực hơn nữa để vun đắp thêm sự gắn kết của bà con, tưởng thưởng các cố gắng giữ gìn truyền thống, hội nhập và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, bền vững giữa Việt Nam và Liên bang Nga./.

 

Tâm Hằng

Nguồn: vietnamplus.vn
3 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.