Chuyên mục
Vấn đề cốt lõi trong chuyến công du 4 ngày của Tổng thống Trump tới Trung Đông

Vấn đề cốt lõi trong chuyến công du 4 ngày của Tổng thống Trump tới Trung Đông

Thứ ba 13/05/2025 05:18 GMT + 7

Ngày 12/5, Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Trung Đông và có các điểm dừng chân tại Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), qua đó nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN


Chuyến đi của Tổng thống Trump diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức ngoại giao, chính trị và an ninh, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran, khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, chiến sự giữa Israel và Hamas, cũng như tương lai của Syria sau cuộc nội chiến kéo dài 14 năm. Tại đây, ông Trump dự kiến sẽ tập trung vào các thỏa thuận thương mại và phát triển kinh tế, sau khi Saudi Arabia và UAE đã đưa ra cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Mỹ và các khoản đầu tư chung trong nhiều năm tới.

Vào ngày 9/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt cho biết chuyến công du của ông Trump sẽ "tập trung vào việc tăng cường quan hệ" giữa Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh.

"Tổng thống Trump sẽ quay lại để tái khẳng định tầm nhìn của ông về một Trung Đông tự hào, thịnh vượng và thành công, nơi Mỹ và các quốc gia Trung Đông có mối quan hệ hợp tác và nơi chủ nghĩa cực đoan bị đánh bại để nhường chỗ cho thương mại và giao lưu văn hóa", bà nói.

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong 4 năm sau chiến thắng bầu cử của ông Trump vào tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó, UAE cũng đã cam kết đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong thập kỷ tới. Các lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ sẽ quy tụ tại Riyadh (Saudi Arabia) trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Arab – Mỹ, trong thời gian ông Trump có chuyến thăm tới khu vực.

Chuyến đi với những "công việc riêng" của Tổng thống Trump

ABC News từng đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị tiếp nhận một chiếc máy bay hạng sang Boeing từ Hoàng gia Qatar để sử dụng làm chuyên cơ của tổng thống. Chiếc máy bay này được cho là sẽ được chuyển giao Thư viện Tổng thống Trump sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Phản hồi lại thông tin trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã đáp trả lại trong một tuyên bố rằng "bất kỳ món quà nào do chính phủ nước ngoài tặng đều luôn được chấp nhận theo đúng luật hiện hành".

Theo một số nguồn tin khác, gia đình Tổng thống Trump được cho là đã có những hoạt động mở rộng hợp tác kinh doanh tại Trung Đông. Tổ chức Trump đã hợp tác với các nhà phát triển trong các dự án mới tại Saudi Arabia, Doha (Qatar) và UAE, cũng như tham gia vào liên doanh tiền điện tử liên quan đến một quỹ có quan hệ với chính phủ UAE.

Tuy nhiên, bà Leavitt vào hôm 9/5 cũng đã bác bỏ những nghi vấn về hoạt động kinh doanh của gia đình Tổng thống Trump tại Trung Đông. Bà cho biết ông Trump "thực sự đã mất tiền khi làm Tổng thống Mỹ".

"Tổng thống hành động chỉ vì lợi ích của người dân Mỹ, đặt đất nước lên hàng đầu và làm những gì tốt nhất cho đất nước", bà nhấn mạnh.

"Thật nực cười khi bất kỳ ai trong căn phòng này lại cho rằng Tổng thống Trump đang làm bất cứ điều gì vì lợi ích của riêng mình. Ông ấy đã từ bỏ cuộc sống xa hoa và cuộc sống điều hành một đế chế bất động sản rất thành công để phục vụ người dân", bà nói thêm sau đó.

Vấn đề hạt nhân Iran, xung đột tại Dải Gaza

Trước đây trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng từng chọn Saudi Arabia làm điểm đến đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài – một sự phá lệ so với các đời tổng thống trước, thường bắt đầu bằng chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên tới các đồng minh truyền thống và đối tác thương mại lớn.

Khi đó, chuyến đi tới Saudi Arabia, cũng như các điểm dừng chân khác ở Israel và sau đó là châu Âu, đã tập trung vào việc kêu gọi các đối tác kh vực tăng gấp đôi nỗ lực chống lại "chủ nghĩa cực đoan" và các nhóm khủng bố, đồng thời tìm cách cô lập đất nước Hồi giáo Iran.

Kể từ đó, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đã cải thiện quan hệ với Iran và hiện đang ủng hộ những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump trong giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Bên cạnh đó, cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas cùng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza cũng ảnh hưởng đến chuyến đi của ông Trump, khi mà Israel đang có kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự ở Gaza.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến ở Gaza đã dường như đóng băng các nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel với Saudi Arabia và các nước Arab khác – một nỗ lực mà Tổng thống Trump đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ đầu của mình.

"Theo quan điểm của Saudi Arbia, điều này khiến việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Israel trở nên khó khăn hơn. Vì những gì đã xảy ra và những gì đang xảy ra (ở Gaza)", ông Zineb Riboua, thành viên của Trung tâm Hòa bình và An ninh Trung Đông thuộc Viện Hudson, cho biết.

Tổng thống Trump được cho là có thể lắng nghe các nhà lãnh đạo Arab về tình hình nhân đạo ở Gaza, đồng thời cũng sẽ xem xét đến vấn đề hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Israel và kế hoạch mở rộng chiến dịch của Israel ở Gaza để tiêu diệt Hamas.

Vào tháng 2, ông Trump đưa ra đề xuất rằng Mỹ sẽ "tiếp quản" Gaza và giúp tái thiết nơi này, một kế hoạch đã bị các nhà lãnh đạo Arab bác bỏ. Các quốc gia này đã đưa ra đề xuất riêng của mình nhưng cũng đã bị Mỹ và Israel phản đối.

Bên cạnh đó, Mỹ, Israel và các quốc gia Arab cũng đang bất động trong cách thức quản lý vấn đề viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine tại Gaza - nơi đang bị Israel tiến hành phong tỏa.

Vai trò ngày càng tăng của vùng Vịnh trong các vấn đề quốc tế

Gần đây, Saudi Arabia đã đứng ra làm chủ nhà cho các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine. Điều này đã nhấn mạnh được ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của vương quốc này trên toàn cầu, bên cạnh tầm quan trọng về kinh tế và thương mại trong khu vực.

Ông Jon Alterman, Chủ tịch Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng Tổng thống Trump đã nhìn nhận vùng Vịnh giống như chính các quốc gia tại đây nhìn nhận – "như một điểm tựa thực sự của sức mạnh toàn cầu".

"Nhiều người trên thế giới cho rằng Vịnh là một ngoại lệ. Một nhóm các quốc gia nhỏ, giàu có, phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, sự bảo vệ. Vùng Vịnh tự nhìn nhận mình khác biệt, và Tổng thống đang ám chỉ rằng ông nhìn Vịnh theo cách đó", ông Alterman cho biết.

Ông Trump dường như sẽ được các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tiếp đón long trọng, tương tự chuyến thăm năm 2017. Khi đó, ông được Saudi Arabia trải thảm đỏ để đón chào tại sân bay bằng màn bay biểu diễn của máy bay chiến đấu, trao tặng huân chương dân sự cao quý nhất của đất nước và chiêu đãi bằng một điệu múa kiếm truyền thống.


Bình Thanh

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.