Chuyên mục
Ukraine, Triều Tiên là trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Biden tại hội nghị G20 và COP27

Ukraine, Triều Tiên là trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Biden tại hội nghị G20 và COP27

Thứ năm 10/11/2022 18:13 GMT + 7

Tổng thống Joe Biden bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới Ai Cập và châu Á từ ngày 10/11 để xử lý một số vấn đề chính sách đối ngoại hóc búa nhất của Mỹ. Triều Tiên và Ukraine là hai trong số các trọng tâm.


Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.


Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Biden sẽ tham gia Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào ngày 11/11 ở Ai Cập, sau đó dự cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á ở Campuchia vào ngày 12 và 13/11, sau đó là cuộc họp thường niên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 từ ngày 14-16/11.

Ông Biden sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 với hy vọng sẽ tìm hiểu được về những “lằn ranh đỏ” của ông Tập Cận Bình. Ông Biden sẽ trao đổi với các đồng minh về việc trừng phạt Nga vì xung đột ở Ukraine và thảo luận về kiềm chế Triều Tiên sau khi nước này thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa.

Theo các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ, đó là những gì nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.

Hiểu hơn về ý định của Trung Quốc

Nói với các phóng viên ngày 9/11, Tổng thống Biden cho biết mục tiêu của ông là hiểu sâu hơn về các ưu tiên và mối quan tâm của ông Tập Cận Bình khi hai bên có cuộc gặp dự kiến bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ông cũng sẽ thảo luận về vấn đề Đài Loan với ông Tập Cận BÌnh.

Tổng thống Biden cho biết ông muốn nói về “lằn ranh đỏ” của từng bên, nắm bắt lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thảo luận về các lợi ích của Mỹ và xác định xem lợi ích hai bên có xung đột với nhau hay không.

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc và Mỹ đã phối hợp để thu xếp một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Tới nay, hai nhà lãnh đạo chỉ điện đàm và gặp nhau trong các cuộc gặp trực tuyến. Chưa có ngày hoặc giờ công khai cho cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo tại Bali.

 


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN.


Ông Matthew Goodman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Câu hỏi lớn là... hai nhà lãnh đạo sẽ đi theo hướng mang tinh thần hòa giải hơn hay kiểu thách thức hơn”.

Ông Biden cũng sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, đồng thời thảo luận về thương mại và mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Căng thẳng đã tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, đặc biệt là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đây hồi đầu năm nay.


Tìm cách cô lập Nga



Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN.


Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden có kế hoạch kiên quyết bảo vệ Ukraine và giải quyết tác động của cuộc xung đột đối với an ninh lương thực và năng lượng tại cuộc họp G20.

Ngày 9/11, ông Biden cho biết viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ tiếp tục và thỏa hiệp về lãnh thổ là tùy thuộc vào Ukraine. Tổng thống Biden cũng cho biết ông hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sẵn sàng nói về việc trao đổi tù nhân để đảm bảo thả ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner.

Phía Indonesia cho biết ông Putin sẽ không trực tiếp tham dự hội nghị G20 nhưng sẽ tham gia một trong các cuộc họp trực tuyến.

Indonesia cũng đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kiềm chế Triều Tiên


Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia vào ngày 13/11 để thảo luận về cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết họ sẽ đề cập tới các chương trình vũ khí và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Chống biến đổi khí hậu

Trong phát biểu ngày 11/11 tại COP27, Tổng thống Biden sẽ đề nghị 196 bên đã ký kết Thỏa thuận khí hậu Paris để mắt đến mục tiêu hạn chế tình trạng ấm lên lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trong một bài phát biểu và các cuộc họp song phương, ông Biden dự kiến thảo luận về cách Mỹ hợp tác với các nước đang phát triển để giảm lượng phát thải bằng cách sử dụng các quan hệ đối tác công và tư, nỗ lực của Mỹ trong khử cacbon ở các lĩnh vực như vận tải biển và cam kết giảm phát thải khí mêtan.


Thùy Dương

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.