Chuyên mục
Tưởng chừng vũ khí phương Tây mang đến cho Ukraine lợi thế lớn, nhưng Nga đã sớm ''điều trị'' được

Tưởng chừng vũ khí phương Tây mang đến cho Ukraine lợi thế lớn, nhưng Nga đã sớm ''điều trị'' được

Thứ năm 03/08/2023 12:21 GMT + 7

Từ máy bay không người lái đến hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, các loại vũ khí phương Tây được kỳ vọng là có thể giúp tạo ưu thế lớn đối với Ukraine đã không phát huy tác dụng trước sự thích nghi của Nga.

 

Tên lửa hành trình Storm Shadow trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris vào tháng 6/2023. (Nguồn: AP)

 

Tác động mạnh mẽ từ đầu

Một ví dụ điển hình mới nhất là Storm Shadow, tên lửa hành trình phóng từ trên không do Anh và Pháp phát triển mà Ukraine đã sử dụng để đạt được hiệu quả ngoạn mục từ đầu. Tên lửa này đã được sử dụng trong một cuộc tấn công vào tháng 6 vừa qua, gây hư hại cây cầu Chonhar nối bán đảo Crimea và miền Nam Ukraine.

Một số nhà quan sát tin rằng Storm Shadow sẽ là vũ khí chủ chốt trong cuộc phản công của Ukraine trong xung đột với Nga. Các máy bay phản lực Kiev có thể phóng tên lửa nằm ngoài tầm phòng không của Moscow nhờ tầm bắn khoảng 250km của loại tên lửa này.

Ngoài đầu đạn nặng hơn 453 kg và các tính năng tàng hình, Storm Shadow còn có nhiều hệ thống dẫn đường, bao gồm GPS, dẫn đường quán tính và radar theo dõi địa hình. Điều này cho phép Storm Shadow tránh bị phát hiện nhờ việc bay cách mặt đất chỉ vài trăm mét.

Đánh giá về Storm Shadow, ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá: "Chúng là những vũ khí hiệu quả... Chúng rất khó bị đánh chặn và điều đó mang lại cho Ukraine một lợi thế lớn hơn nhiều".

Mặc dù HIMARS chứng tỏ được sức tàn phá ban đầu trong các cuộc xung đột của Ukraine nhằm vào các kho tiếp tế và sở chỉ huy, nhưng quân đội Nga đã nhanh chóng thích nghi thông qua việc sử dụng tổ hợp tác chiến điện tử và di chuyển các địa điểm hậu cần, trụ sở ra khỏi tầm bắn của tên lửa dẫn đường HIMARS.

Sau vài tuần kể từ cuộc tấn công vào cầu Chonhar, đã có một số báo cáo ghi nhận hiệu quả của các cuộc tấn công Storm Shadow, bao gồm cả cuộc tấn công vào một kho sửa chữa phương tiện quân sự của Nga ở Crimea.

Tuy nhiên, ông Michael Kofman nhìn nhận rằng kể từ khi Ukraine bắt đầu sử dụng loại tên lửa này vào giữa tháng 5, "chúng tôi không thấy tác động to lớn nào đối với lực lượng Nga". Theo vị chuyên gia này, một phần lý do là sự thích ứng trong quân đội Nga sau một thời gian đã "làm quen" với tên lửa HIMARS vào tháng 6 năm ngoái.

Chuyên gia Michael Kofman cho rằng vũ khí tầm xa của Ukraine sẽ tiếp tục có tác động tới cuộc xung đột. Với một mặt trận rộng lớn như vậy, việc quân đội Nga "không cất giữ đạn dược ở bất cứ đâu, hay không có lỗ hổng trong chỉ huy và kiểm soát, hay không phải sử dụng cầu nối" là không thể.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định "gần như không thấy số lượng các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm vào mạng lưới chỉ huy và kiểm soát hậu cần của Nga nhiều như khi HIMARS lần đầu tiên được giới thiệu vào mùa hè năm ngoái".

 


Tiêm kích Tornado GR4 của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh mang theo 4 tên lửa Storm Shadow trong một cuộc thử nghiệm trên Đại Tây Dương. (Nguồn: BQP Anh)


Chỉ giới hạn ở cấp độ chiến thuật?

Mặt khác, Ukraine cũng phải đối mặt với những hạn chế trong việc sử dụng tên lửa Storm Shadows. Kiev có khả năng chỉ nhận được vài trăm tên lửa và máy bay phóng loại tên lửa này rất dễ bị tấn công trong không phận có nhiều tranh chấp như ở Ukraine. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu quân đội Ukraine có thể sử dụng hết Storm Shadows để chống lại các mục tiêu khó tìm hoặc khó hạ gục hay không.

Tại giao tranh xung quanh Kherson trong cuộc phản công của Ukraine vào mùa Thu năm ngoái, Nga đã duy trì và cuối cùng rút quân bằng một cây cầu và một hệ thống phà. Ông Michael Kofman nói: “Bạn sẽ ngạc nhiên về số lực lượng có thể được duy trì với một đường ống khá hẹp khi nói đến hệ thống liên lạc mặt đất (của Nga)”.

Điều này có nghĩa là loại vũ khí tiếp theo mà Ukraine mong muốn có được là Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 do Mỹ sản xuất, còn gọi là ATACMS. Đây là một vũ khí phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 300km, xa hơn tầm bắn 250km của Storm Shadow và tầm bắn 80km của HIMARS.

Cho đến nay, Mỹ đã từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại về việc sử dụng nó với các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang xem xét lại chính sách đó, nhưng một số chuyên gia phương Tây và Ukraine tin rằng một vũ khí tầm xa như ATACMS có thể định hình lại cuộc xung đột này.

Tuy nhiên, như những gì đã xảy ra, hệ thống tên lửa ATACMS (nếu tham gia xung đột) có lẽ sẽ có một mức độ thành công nhất định trước khi cú sốc qua đi và Nga tiếp tục thích nghi.

Mặc dù các loại vũ khí tầm xa mới vẫn có thể gây tổn hại cho lực lượng Nga và buộc quân đội nước này phải thay đổi chiến thuật. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu tác động của chúng sẽ chỉ giới hạn ở cấp độ chiến thuật hay liệu nó có đủ sức nặng để khiến cuộc xung đột nghiêng về phía có lợi cho Ukraine hay không?


Hà Linh

Nguồn: baoquocte.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.