Chuyên mục
Shipper Amazon: 'Tôi phải đi tiểu vào chai vì sợ giao hàng trễ'

Shipper Amazon: 'Tôi phải đi tiểu vào chai vì sợ giao hàng trễ'

Thứ hai 15/03/2021 08:05 GMT + 7

Làm việc liên tục 14 tiếng, đi tiểu vào chai, nhận đồng lương ít ỏi 15 USD/giờ, sợ bị trả thù nếu đòi quyền lợi, đó là những gì cánh tài xế giao hàng của Amazon đang phải đối mặt.


Zing lược dịch bài viết của Guardian, nói về thực tế công việc của những tài xế giao hàng cho Amazon.

Là tài xế giao hàng ở Austin, Texas, James Meyers đã phục vụ cho Amazon khoảng một năm trước khi anh nghỉ việc vào tháng 10/2020. Với Meyers, khối lượng công việc lớn cùng điều kiện làm việc tồi tệ là lý do khiến anh quyết định từ bỏ.

Theo Meyers, các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng không cho phép tài xế trả lại bưu kiện, chính vì vậy, cánh tài xế phải làm việc liên tục trong 14 tiếng nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trước áp lực phải đáp ứng tỷ lệ giao hàng theo đúng yêu cầu, Meyers thường sử dụng chai nhựa để đi vệ sinh hàng ngày.

Điều kiện làm việc tồi tệ

“Tôi không thấy Amazon yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng cho phép cánh tài xế được sử dụng nhà vệ sinh. Điều này khiến nhiều lao động, bao gồm cả tôi, phải đi tiểu vào chai vì sợ ảnh hưởng tiến độ”, Meyers chia sẻ.

Nếu chiếc xe tải lệch khỏi tuyến đường hoặc dừng lại quá 3 phút, hệ thống trên xe sẽ báo về công ty giao hàng. Theo Meyers, Amazon đang khuyến khích các chủ sở hữu dịch vụ giao hàng cắt giảm thời gian nghỉ ngơi của nhân viên.

Meyers cho biết anh thường xuyên nhận được cuộc gọi than phiền của bên điều phối mỗi khi dừng chân đi vệ sinh. Tuy nhiên, việc nói chuyện với họ chỉ khiến thời gian dừng lại lâu hơn. Meyers cho rằng những nhu cầu cơ bản này không đáng để anh nhận lại thái độ đối xử bất công.

 


Tài xế phải làm việc liên tục 14 giờ dưới áp lực thời gian khắc nghiệt. Ảnh: Getty.

 

Amazon sử dụng các nhà thầu cho dịch vụ giao hàng. Tiền thưởng của tài xế thường dựa trên tỷ lệ hoàn thành đơn thành công. Meyers tin rằng đây là lý do khiến tài xế khó đòi quyền lợi. Tuy phải làm việc quá sức, những tài xế giao hàng chỉ nhận lại số tiền công ít ỏi.

Đáng nói, Amazon công khai phản đối các hoạt động đòi quyền lợi và tổ chức công đoàn của nhân viên. Gần đây, công ty của tỷ phú Jeff Bezos đã phát động chiến dịch chống lại công đoàn tại một nhà kho ở Alabama. Không chỉ tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, Amazon còn gửi hàng loạt tin nhắn kêu gọi người lao động bỏ phiếu chống lại công đoàn.

“Loại hình này là vấn đề đối với toàn bộ ngành công nghiệp. Công ty sẵn sàng cho đơn vị thầu vay tiền, giúp họ tăng số lượng xe và tác động tới nhân viên với mục đích giảm bớt mọi trách nhiệm vốn thuộc về Amazon”, Randy Korgan, Giám đốc Dự án Amazon của Teamster, cho biết.

Hiện nay, Teamsters Union đang phối hợp với các tài xế thuộc đến từ nhà cung cấp dịch vụ giao hàng cho Amazon trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, đơn vị này cũng đại diện cho nhiều phi công tại 2 nhà thầu vận tải hàng không của Amazon.

 

"Tôi luôn mang bên mình một chiếc cốc cùng giấy lau. Tôi thường phải đi tiểu trong phòng nghỉ phía sau buồng lái."


Một nữ tài xế giao hàng cho Amazon chia sẻ

 

Korgan cho biết mức lương khởi điểm mà phần lớn tài xế nhận được là 15 USD/giờ, thấp hơn mức trung bình của những công ty như UPS, nơi Teamsters đang đại hiện cho khoảng 240.000 công nhân. Dựa trên hợp đồng hiện tại của công đoàn, tài xế UPS có mức lương tối thiểu từ 21 USD/giờ hoặc có thể cao hơn, tầm 40 USD/giờ.

“Nếu Amazon tạo ra hàng triệu việc làm và cắt giảm một nửa chi phí làm việc của họ, người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Suốt 50 năm qua, ngành công nghiệp vận chuyển đã tạo ra hàng triệu việc làm cho tầng lớp trung lưu”, Korgan nhận xét.

Tại Iowa, Teamsters đang đòi quyền lợi để các tài xế và nhân viên kho hàng tại Amazon được trả lương cao cũng như mức phí ít nghiêm ngặt hơn. Thay vì tập trung vào những cuộc bầu cử công đoàn thông qua Ban Quan hệ Lao động Mỹ, Teamsters sử dụng các cuộc đình công của người lao động để nêu lên tiếng nói.

Tài xế không có quyền lên tiếng

Hiện nay, một số nhà thầu phụ sử dụng camera và ứng dụng để giám sát, theo dõi tài xế lái xe.

Làm việc cho nhà cung cấp dịch vụ giao hàng của Amazon ở khu vực Portland, Oregon, một tài xế nữ cho biết cô thường đi vệ sinh trên xe. Việc lắp đặt camera giám sát, đi kèm những áp lực về thời gian khiến cô cảm thấy không thoải mái. Vì sợ bị trả thù, nữ tài xế này yêu cầu được giấu tên.

“Để đi vệ sinh, đặc biệt là phụ nữ, chúng tôi sẽ phải đến các trạm dừng chân. Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng có điều kiện đến đó. Quá trình di chuyển đến các trạm dừng chân khiến tôi mất ít nhất 10 phút. Báo cáo sau này của chúng tôi sẽ đề cập lý do vì sao chúng tôi lại chậm tiến độ".

"Vì vậy, tôi luôn mang bên mình một chiếc cốc cùng giấy lau. Tôi thường phải đi vệ sinh trong phòng nghỉ phía sau buồng lái”, nữ tài xế cho biết.



Nhiều tài xế không dám đòi quyền lợi vì sợ bị cấp trên trả thù. Ảnh: WSJ.


Nếu đòi quyền lợi cho mình, các tài xế cũng phải đối mặt với nỗi sợ bị trả thù.

Derrick Flournoy là một trường hợp tiêu biểu. Sau khi tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến với các nhân viên để thảo luận về những vấn đề bất bình trong công việc, Flournoy đã phải nghỉ việc vì bị quản lý trả thù.

“Tôi bắt đầu nhóm trò chuyện vào buổi sáng thứ 6. Một giờ sau, người quản lý đã gỡ nó xuống và vô hiệu hóa quyền hoạt động của tôi trong ứng dụng, khiến tôi không thể tương tác với ai. Đối với tôi, đó là sự trả đũa rõ ràng. Đó là cách anh ta thể hiện rằng anh ta có quyền lực và nếu chúng tôi không trở thành kiểu người anh ta muốn, anh ta có thể lấy đi công sức của chúng tôi”, Flournoy kể lại.

Trong suốt một năm làm việc, Flournoy chỉ kiếm được 16 USD/giờ, ngay cả khi anh làm việc liên tục 40 giờ một tuần. Anh đã nộp đơn buộc tội lao động không công bằng thông qua Liên minh những tài xế chống lại Amazon sau khi sự việc xảy ra.

“16 USD/giờ là không đủ cho khối lượng công việc mà chúng tôi phải làm. Chúng tôi đại diện cho công ty giàu có nhất thế giới nhưng hầu như không kiếm đủ tiền để sống.

Thật điên rồ khi Jeff Bezos và Elon Musk nói đi nói lại hàng tuần về việc ai là người giàu nhất thế giới còn tôi thậm chí không thể thanh toán nổi tiền thuê nhà. Tôi đang còng lưng để giao các đơn hàng mỗi ngày nhưng không có lòng thương xót nào từ cấp trên. Họ không hiểu hoặc lắng nghe mối quan tâm của tài xế”, Flournoy cho biết.

 

Chúng tôi đại diện cho công ty giàu có nhất thế giới nhưng hầu như không kiếm đủ tiền để sống.


Derrick Flournoy, bị cho nghỉ việc vì tổ chức cuộc họp chống vấn đề bất bình đẳng

 

Về phía Amazon, người phát ngôn của công ty tuyên bố thời gian nghỉ và giải lao của các tài xế đã được tích hợp sẵn trong khung giờ làm việc. Công ty thậm chí cung cấp danh sách các trạm dừng chân trên tuyến đường.

Tuy nhiên, người phát ngôn không bình luận về mức lương cũng như lý do cản trở hoạt động đòi quyền lợi của tài xế.

“Chúng tôi tự hào khi hợp tác với hơn 2.000 công ty cung cấp dịch vụ giao hàng trên khắp nước Mỹ. Họ là những doanh nghiệp nhỏ tạo ra hàng nghìn việc làm và cung cấp môi trường làm việc tuyệt vời với mức lương tối thiểu 15 USD/giờ, quyền lợi chăm sóc sức khỏe và thời gian nghỉ có lương”, người phát ngôn Amazon đề cập trong một email.


Minh Khánh (Theo Guardian)

Nguồn: zingnews.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.