Chuyên mục
Những giai thoại về tượng đài 'Người Mẹ Tổ quốc'
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Những giai thoại về tượng đài 'Người Mẹ Tổ quốc'

Thứ ba 12/05/2015 03:35 GMT + 7
Quần thể tượng đài, nhà bảo tàng trên Đồi Mamaev với điểm nhấn trung tâm là Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc đã trở thành một trong bảy kỳ quan của nước Nga, chứng tích bi tráng của một giai đoạn lịch sử vĩnh viễn không thể xóa mờ trong ký ức nhân loại.


Đồi Mamaev của thành phố Volgagrad, tên gọi trước đây là Stalingrad, miền Nam nước Nga, nơi diễn ra một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong Chiến tranh thế giới thứ II. Giờ nơi đây đã trở thành nơi yên nghỉ - ngôi mộ chung khổng lồ của hơn 1 triệu chiến sĩ bảo vệ thành Stalingrad, với quần thể tượng đài, nhà bảo tàng, trong đó điểm nhấn trung tâm là Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc.

22 năm cho quần thể tượng đài bất tử hóa cuộc chiến tranh vệ quốc

Tên gọi Đồi Mamaev, theo truyền thuyết, liên quan tới tên của thủ lĩnh Tartar - Khan Mamai. Xưa kia, đội lính canh phòng do Khan Mamai tự tuyển lựa từ đội vệ binh riêng của mình, gồm gần 100 chiến binh trung thành và thiện chiến nhất. Đội lính canh tinh nhuệ của Mamai kiểm soát được cả vùng sông Volga và nhiều lần chặn đứng các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào thủ đô của Vương quốc Sarai- Berke, đó là nhờ Mamai nhận thức được vị trí tuyệt vời của ngọn đồi này.

Đồi Mamaev là mắt xích chủ yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ của mặt trận Stalingrad, trở thành vị trí then chốt trong cuộc chiến đấu chiếm giữ hai bờ sông. Trong năm 1942 lịch sử, Đồi Mamaev chính là đỉnh cao then chốt trong cuộc phòng ngự bảo vệ thành phố. Nếu chiếm được đường tới Volga, phát xít Đức sẽ chiếm được con đường thẳng tiến về biển Kaspi và tới vùng Kavkaz, nơi đang khai thác dầu mỏ phục vụ mặt trận.

Ai cũng biết rằng, nếu Stalingrad thất thủ thì toàn bộ đất nước Liên Xô sẽ rơi vào tay phát xít Đức, vì thế, trên bản đồ quân sự, Đồi Mamaev được đánh dấu là Cao điểm 102,0. Trận quyết chiến Stalingrad kéo dài 200 ngày đêm, từ ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943.

Vào những tháng cuối năm 1942, những trận đánh ác liệt đã để lại cả khu đồi bị bom đạn cày nát, mảnh đạn pháo trộn lẫn vào đất. Mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, trên đồi Mamaev hầu như không có cây nào mọc nổi, bởi trên mặt đất dày đặc những mảnh kim loại. Trận Stalingrad đã trở thành bước ngoặt trong tiến trình cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhiều nhà sử học công nhận Trận chiến Stalingrad đã quyết định số phận của toàn thế giới.

Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc trên đồi Mamaev được mô phỏng từ tượng nữ thần chiến thắng
của Hy Lạp (ảnh nhỏ).

Ngay sau khi kết thúc trận đánh, ý tưởng xây dựng một tượng đài thật to lớn, thật ấn tượng ở đây để vinh danh đời đời cuộc chiến đấu oanh liệt - sự kiện quan trọng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc đã hình thành. Từ cuối năm 1945, Nhà nước Xôviết đã mở một cuộc thi thiết kế tượng đài về chủ đề này với quy mô trên toàn quốc. Đông đảo người dân Liên Xô thuộc mọi tầng lớp đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi này, từ những chuyên gia về xây dựng, những kiến trúc sư, kỹ sư công trình cho tới những người không liên quan gì đến ngành nghề xây dựng hay điêu khắc.

Một phần những bản vẽ được gửi cho Học viện Nghệ thuật tạo hình, một phần gửi cho Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, một phần khác được gửi ngay cho lãnh tụ I. V. Stalin. Mất một thập niên tổng kết và đánh giá các thiết kế, Chính phủ Liên Xô đã quyết định chọn bản vẽ của nhà điêu khắc Evgheny Victorovich Vuchetich làm hình mẫu xây dựng tượng đài.

E.V.Vuchetich là một trong những nhân vật danh tiếng trong ngành điêu khắc và xây dựng của Liên Xô, từng 5 lần đoạt Giải thưởng Stalin (1946, 1947, 1948, 1949, 1950). Hình ảnh Người Mẹ Tổ quốc trong tư thế tiến lên phía trước với thanh kiếm giơ cao, là biểu tượng Tổ quốc đang kêu gọi những người con xông ra trận tuyến chiến đấu chống lại quân thù. Bức tượng kiêu hãnh vươn cao giữa lòng thành phố bên bờ sông Volga đã trở thành biểu tượng của nhân dân Nga về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Ngày 23/1/1958, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô chính thức ra quyết định khởi công khu phức hợp tượng đài Mamaev và đến tháng 5/1959, việc xây dựng được tiến hành.

Nhà điêu khắc E.V. Vuchetich.

Quá trình xây dựng bức tượng kéo dài và gặp rất nhiều khó khăn về cấu trúc, độ bền vững, công nghệ, chi phí công trình không ngừng phát sinh ngoài dự toán. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn đó, ngày 15/10/1967, khu tượng đài chính thức được khánh thành sau 22 năm ấp ủ và thai nghén, và kết quả của tất cả những công sức đó thật sự tạo được ấn tượng không chỉ với toàn nhân dân Liên bang Xôviết mà còn với nhiều nước trên thế giới. Tại thời điểm khánh thành, nó là tượng đài lớn nhất thế giới và kỷ lục này được giữ cho đến năm 1989, khi tượng Đại Quan Âm ở Công viên Kitano Miyako được hoàn tất.

Quần thể các bức tượng, phù điêu, nhà bảo tàng trên Đồi Mamaev và Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc là đỉnh cao của nghệ thuật dựng tượng, bằng những hình tượng nghệ thuật cụ thể thông qua những tác phẩm điêu khắc khác nhau, bằng sự hòa hợp kiến trúc điêu khắc với thiên nhiên hùng vĩ, tập thể các tác giả đã truyền tải trọn vẹn khí phách anh hùng của nhân dân Liên Xô thời Chiến tranh Vệ quốc. Hơn 34.000 di hài của các chiến sĩ tham gia trận đánh Stalingrad cũng được chôn cất tại ngọn đồi này.

Bức tượng Người Mẹ Tổ quốc cao 85m, nặng 8.000 tấn, là công trình điêu khắc có quy mô đồ sộ nhất thế giới vào thời điểm khánh thành. Xin nhắc thêm, tác giả công trình điêu khắc kỳ vĩ này là đồng tác giả bức tượng "Người chiến sĩ giải phóng" ở Berlin. Từ dưới chân đồi Mamaev lên tới đỉnh tất cả có 200 bậc thang làm từ đá Granít, ứng với 200 ngày đêm chiến đấu ác liệt của trận đánh Stalingrad.

Để xây dựng bức tượng (không tính phần bệ), người ta đã phải huy động đến 5.500 tấn bê tông cùng hơn 2.400 tấn vật liệu kim loại. Độ dày của lớp bê tông bao ngoài tượng chỉ chừng 25-30 cm. Trong lòng bức tượng gồm nhiều ô trống, buồng trống và phòng, giống như một tòa chung cư. Độ bền của cấu trúc này được duy trì bởi 99 dây thép kéo căng. Chiều cao thân tượng Người Mẹ Tổ quốc là 52m, nếu tính cả thanh gươm dài 33m, nặng 14 tấn thì chiều cao của toàn bộ bức tượng lên tới 85m, không tính phần bệ nổi cao 2m và phần bệ đỡ xây ngầm dưới đất 16 mét. Thanh gươm được làm bằng thép đặc biệt, có đục nhiều lỗ để làm giảm áp lực gió. Ban đêm, đầu thanh gươm được thắp sáng bằng một ngôi sao đỏ.

Sự thật về “tiếng những binh đoàn hành quân trong lòng Người Mẹ Tổ quốc”

So với các bức tượng khác lớn hơn xuất hiện sau này, Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc có cấu trúc phức tạp hơn cả nếu xét về mặt kỹ thuật và công nghệ xây dựng; nguyên do nằm ở hình dáng đặc trưng của tượng với cánh tay phải giơ cao thanh gươm và tay trái đưa chếch về phía sau như kêu gọi đàn con đứng lên bảo vệ Tổ quốc lúc lâm nguy. Vì vậy, phần kỹ thuật của bức tượng được hoàn thành bởi kỹ sư Nikolai Nikitin - tác giả của Tháp truyền hình Moscow.

Tượng đài Quyết tử.

Tượng được lắp ráp từ các bộ phận bêtông cốt sắt riêng biệt: Những bộ phận lớn nhất như đầu, tay được làm riêng trên mặt đất, sau đó dùng cần cẩu nâng lên và lắp vào. Các khối của Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc được giằng buộc từ bên trong bằng hệ thống các dây thép. Khung tượng được giằng, neo bằng hàng trăm dây cáp thép đặc biệt. Cánh tay vươn dài của bà mẹ có đường kính rất rộng (trong lòng cánh tay này, một chiếc xe hơi có thể dễ dàng chui lọt) cũng được giằng từ bên trong bằng hệ thống dây thép như thế. Các vận động viên leo núi thường xuyên leo lên tượng để xem xét tình trạng của bức tượng và tham gia công tác bảo trì.

Lúc đầu, thanh gươm trên tay phải của bức tượng có cân nặng 14 tấn, được làm từ thép không gỉ và titan. Tuy nhiên, không lâu sau, các chuyên gia đã nhận ra rằng, khối lượng thanh gươm chiếm tỉ trọng khá lớn khi so với khối lượng toàn thân tượng cùng với tác động mạnh của gió (gây ra bởi kích thước lớn của nó) về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến độ bền vững của toàn bức tượng. Đồng thời, sự dịch chuyển tiếng va đập của các tấm titan khi gió lớn liên tục lùa vào các lỗ trống tạo nên thứ âm thanh kỳ lạ, đặc biệt nghe rõ vào ban đêm trên đỉnh đồi lộng gió, nên có một thời gian người ta thêu dệt là nghe như có tiếng các binh đoàn hành quân bên trong bức tượng(!).

Phù điêu Ký ức của các thế hệ.

Vì vậy, trong lần trùng tu năm 1972, một thanh gươm mới làm bằng thép flo hóa cho cấu trúc nhẹ và chắc hơn đã được đặt vào thay thế cho thanh gươm cũ, trên lưỡi của thanh gươm mới cũng được đục nhiều lỗ để làm giảm áp lực của gió. Trong lần trùng tu năm 1986, thành phần bê tông cốt thép của tượng lại được gia cố thêm theo kiến nghị của nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu khoa học về bê tông và bê tông cốt thép

Có khá nhiều giai thoại đề cập đến khía cạnh nghệ thuật của tượng đài. Đầu tiên, tượng đài được mô phỏng hình dáng của bức tượng Nữ thần Chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp. Đây là một tác phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch, được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện vào năm 1863 tại đảo Samothrace, phía đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh. Nhờ phần chân đế và thân, Champoiseau xác định được đây là một bức tượng Nữ thần Chiến thắng, thường mang hình một phụ nữ có cánh. Các mảnh vỡ được gửi về Paris, ghép lại và trưng bày ở Bảo tàng Louvre.

Mặc dù không còn nguyên vẹn, nhưng ngày nay tượng Nữ thần Chiến thắng Samothrace vẫn được xem như là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bậc nhất. Nhưng vì tượng Nữ thần chiến thắng này bị mất đầu nên nhà điêu khắc tượng Người Mẹ Tổ quốc cần đến một số nhân vật nữ thật làm mẫu để phác họa khuôn mặt. Trong số hàng ngàn người dự tuyển chỉ chọn được 3 người: Một nghệ sĩ công huân, một giáo viên và một công nhân có nhiều thành tích trong lao động. Cho đến nay vẫn không có tài liệu nào xác tín ai là người trong số 3 ứng viên cuối cùng trên là nhân vật nguyên mẫu của bức tượng kỳ vĩ "Người Mẹ Tổ quốc"

Ngoài bức tượng chính, khu quần thể di tích lịch sử này còn nổi tiếng bởi khối tượng trên Quảng trường Quyết tử, bức phù điêu khổng lồ hay còn được gọi là "Bức tường đổ nát", Phòng "Vinh quang Chiến sĩ"...

Theo Kết quả cuộc bình chọn do báo Tin Tức (Izvestya), kênh truyền hình Nước Nga (Rossiya), Đài Phát thanh Hải đăng (Maaik) và website Vesty.ru đồng tổ chức công bố ngày 12/6/2008, quần thể tượng đài trên Đồi Mamaev nằm trong danh sách 7 kỳ quan của nước Nga mới. Sáu kỳ quan còn lại gồm: núi Elbrus; thung lũng suối nước nóng ở Kamchatka; những chiếc cột phong hóa trên cao nguyên Manh-Pupu-Nior ở Komi; quần thể các lâu đài, tu viện Petergor ở ngoại ô Saint-Petersburg; hồ Baikal; quần thể đền thờ thánh Vasili Blazhensky trên Quảng trường Đỏ của thủ đô Moscow.

Ngày nay, nơi đây là một trong những nơi thu hút nhiều khách tham quan nhất ở Nga. Hàng năm, vào Ngày Chiến thắng 9-5, Đồi Mamaev cuồn cuộn biển người mang hoa đến đặt trước Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc. Khu quần thể này cho khách vào thăm tự do, mở cửa quanh năm, không có ngày nghỉ, bất kể đêm ngày.

Không ở đâu lại có một quần thể tượng đài tưởng nhớ các anh hùng và các nạn nhân chiến tranh kỳ vĩ và thiêng liêng đến thế, đường nét của các khối đá, bê tông, kim loại… lại sống động và toát lên âm hưởng của những bản hùng ca chân thực đến thế, như dòng chữ khắc trên bức tường lắp kính mạ vàng của Phòng Vinh quang Chiến sĩ: "Vâng, chúng tôi là những người đã hy sinh một cách bình thường và ít ai trong chúng tôi còn nguyên vẹn, nhưng tất cả chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ yêu nước của mình trước Tổ quốc - Người Mẹ thiêng liêng".

Nguồn: cand.com.vn
34 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.