Chuyên mục
NATO từng đối đầu Nga ở một khu vực ly khai như thế nào?

NATO từng đối đầu Nga ở một khu vực ly khai như thế nào?

Thứ hai 04/09/2023 13:31 GMT + 7

Hơn 20 năm trước, một trong những cuộc chiến tranh tồi tệ nhất lịch sử thế giới giai đoạn cuối thế kỷ 20 bùng nổ khi một tỉnh đòi ly khai khỏi Serbia (quốc gia thuộc khu vực đông nam châu Âu). Đến nay, Nga vẫn cương quyết không công nhận sự độc lập của khu vực ly khai này.


NATO không kích Nam Tư (ảnh: NI)


Theo Eurasianet, ngày 24.3.1999, hơn 1.000 máy bay chiến đấu của NATO xuất kích từ Italia và các tàu sân bay ở Địa Trung Hải tổ chức oanh tạc Serbia. Chiến tranh Kosovo bùng nổ. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, NATO tấn công một quốc gia có chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Hành động của NATO vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga – quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Serbia.

Theo Britannica, Moscow lo ngại làn sóng ly khai ở Kosovo sẽ ảnh hưởng tới Chechnya – khu vực khi đó đang đòi ly khai ở Nga. Thời điểm chiến tranh Kosovo bùng nổ, Nga vừa chịu ảnh hưởng nặng trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất và đang chật vật vực dậy kinh tế đất nước sau khi Liên Xô tan rã. Cuộc tấn công của NATO vào Serbia khiến Nga thấy “nóng mắt”.

Ngay sau khi NATO không kích Serbia, quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động. Hạm đội Biển Đen nhận lệnh sẵn sàng di chuyển tới biển Adriatic để đối phó với NATO. Ngày 28.3.1999, hơn 70.000 thanh niên Nga đăng ký tình nguyện tới Serbia chiến đấu. Tuy nhiên, trên chiến trường Kosovo chỉ xuất hiện khoảng 1.000 quân tình nguyện Nga, theo Culus News.

Tại Liên Hợp Quốc, Nga – Trung Quốc chỉ trích Mỹ và NATO gay gắt vì tấn công Serbia mà không thông qua Hội đồng bảo an.

Bất chấp sự phản đối của Nga, NATO thực hiện hơn 38.000 vụ không kích bằng máy bay kết hợp với tên lửa hành trình Tomahawk vào Serbia. Tất cả thành viên NATO đều tham chiến. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, không quân Đức xuất trận. Chống trả lại các cuộc oanh kích của NATO là 90.000 quân Nam Tư với sức chiến đấu và vũ khí kém hơn. Hệ thống phòng không Nam Tư gần như không thể với tới máy bay NATO, theo CNN.

 


Quân đội Nam Tư nhanh chóng thất thủ trước NATO (ảnh: CNN)


Ngày 10.6.1999, NATO dừng oanh tạc sau khi tuyên bố đánh bại hoàn toàn quân đội Nam Tư ở Kosovo. Chiến tranh Kosovo kết thúc bằng việc Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic chấp nhận để NATO triển khai quân đội tại Kosovo. Hơn 10.000 binh sĩ Nam Tư thương vong trong cuộc chiến khốc liệt này, trong khi thiệt hại đối với NATO là không đáng kể.

Một sự kiện đáng chú ý khác cũng xảy ra trong chiến tranh Kosovo khi ngày 7.5.1999, không quân Mỹ ném bom nhầm Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade – thủ đô Serbia – khiến 3 người thiệt mạng.

Theo BBC, rạng sáng ngày 11.6.1999, 30 xe bọc thép cùng 250 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến vào Kosovo. Mục tiêu của Nga là giành quyền kiểm soát sân bay Pristina (Kosovo) vào giai đoạn cuối cuộc chiến. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Vladimir Putin – sau này trở thành Tổng thống Nga – là người “bật đèn xanh” cho kế hoạch táo bạo này.

Hành động của Nga vấp phải sự phản đối gay gắt của NATO. Mỹ và NATO lo ngại việc Nga kiểm soát sân bay Pristina có thể khiến Kosovo bị chia đôi và quân đội Nga xuất hiện nhiều hơn.

Trưa ngày 11.6, Tướng Mỹ Wesley Clark – Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh tại châu Âu (SACEUR) – lệnh cho một đơn vị lính dù của Anh và Pháp tới bao vây lực lượng Nga ở sân bay Pristina. Mỹ cũng gây sức ép buộc Bulgaria, Hungary và Romania từ chối cho vận tải cơ của Nga bay qua khiến Moscow không thể tăng viện. Tướng Wesley Clark thậm chí có thời điểm còn ra lệnh có thể dùng vũ lực để ép lực lượng Nga ra khỏi sân bay. 

Tướng Michael Jackson của Anh, người chỉ huy Lực lượng Kosovo của NATO đã yêu cầu một đoàn xe bọc thép di chuyển về phía sân bay, nhưng khi đó, ông nhận được lời cảnh báo từ phía Nga rằng hậu quả sẽ rất thảm khốc. Tướng Jackson đã không tấn công và báo cáo với cấp trên rằng ông không muốn những người lính của mình phải chịu trách nhiệm về việc "khơi mào chiến tranh thế giới thứ 3".

 


Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến vào Kosovo (ảnh: Reuters)

 

Nhiều cuộc đối thoại sau đó được tổ chức để tháo gỡ căng thẳng. Moscow và NATO thống nhất cùng duy trì an ninh ở sân bay Pristina mặc dù lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát trước. Tháng 7.2003, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Kosovo rút về nước.

Theo Britannica, dù thể hiện sự ủng hộ lớn với chính quyền của Tổng thống Slobodan Milosevic, nhưng Nga quyết định không tham chiến ở Kosovo mà chỉ viện trợ vũ khí cho Nam Tư. Xét cho cùng, Nga không có nhiều lợi ích ở Nam Tư.

Ngày 17.2.2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Quyết định của Kosovo nhận được sự ủng hộ của 117/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Theo RT, Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu muốn Kosovo độc lập để làm suy yếu Serbia – đồng minh ít ỏi còn lại của Nga ở khu vực Balkans.

Nga kiên quyết phản đối sự độc lập của Kosovo. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bất cứ tuyên bố độc lập nào của Kosovo cũng đều gây tổn hại đến an ninh châu Âu. Năm 2018, Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh ở vùng Balkans khi Kosovo đòi thành lập quân đội riêng.

 

Vương Nam – tổng hợp

Nguồn: nguoiduatin.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.