Chuyên mục
Mỹ suy yếu, thế giới hoang mang: Việt - Nga có thể làm điều chưa từng có?

Mỹ suy yếu, thế giới hoang mang: Việt - Nga có thể làm điều chưa từng có?

Thứ bảy 05/07/2025 19:05 GMT + 7

Các đồng minh truyền thống của Mỹ ngày càng lo ngại về tính nhất quán trong cam kết chiến lược của Washington khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục theo đuổi đường lối đối ngoại đơn phương.

 

Cờ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva 

 

Khoảng trống chiến lược này là cơ hội để các quốc gia như Nga hay Việt Nam thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên đối thoại, luật pháp quốc tế và cân bằng quyền lực.


Một Washington không còn đáng tin


Việc Hội nghị G7 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, kết thúc mà không thể đưa ra tuyên bố chung là một sự kiện mang tính bước ngoặt, phản ánh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong nội bộ phương Tây. Trong khi châu Âu nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng để “tự xoay sở”, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu phát đi tín hiệu rõ ràng về chiến lược phòng thủ độc lập hơn.


“Sự quay trở lại của Trump cũng đồng nghĩa với việc đảo ngược các chính sách cam kết đa phương mà chính quyền tiền nhiệm xây dựng. Tính khó đoán định và thiên hướng “giao dịch hóa” các mối quan hệ đồng minh của Trump đang làm suy giảm lòng tin vào hệ thống liên minh do Mỹ dẫn dắt”, ông Lê Minh, chuyên gia quan hệ quốc tế độc lập nhận xét với Sputnik.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2024, ngân sách quốc phòng của các nước G7 đã tăng trung bình khoảng 0,7% GDP. Con số này thể hiện rõ sự chuyển biến về tư duy an ninh.


“Ngay kể cả khi Mỹ vẫn duy trì sức mạnh quân sự, các đồng minh ngày càng phải chuẩn bị tâm thế cho một tương lai không còn phụ thuộc vào Washington như trước nữa”, chuyên gia trên chỉ ra.


Moskva duy trì thế chủ động trong đối thoại toàn cầu


Trái ngược với đường lối đối ngoại ngày càng tự thu hẹp của Mỹ, Nga lại thể hiện rõ vai trò thúc đẩy đối thoại, nhấn mạnh chủ quyền và luật pháp quốc tế. Các sáng kiến như BRICS mở rộng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hay những kênh đối thoại Á - Âu do Nga khởi xướng đang từng bước hình thành mạng lưới hợp tác thay thế cho các mô hình do phương Tây dẫn dắt.

“Nga đang đề xuất một cấu trúc đối thoại đa cực. Đây là điều phù hợp với xu thế hơp tác win-win mà thế giới đang mong chờ”, chuyên gia Lê Minh phân tích.

Mặc dù vậy, thách thức của Nga hiện nay là triển khai các tuyên bố chính trị thành mô hình hợp tác thực chất. Đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi các quốc gia đang có xu hướng đa dạng hóa đối tác, tránh lệ thuộc vào một cường quốc duy nhất.

 

Việt Nam - Đối tác đáng tin cậy


Trong môi trường địa chính trị đầy biến động, Việt Nam nổi lên như một trong số rất ít quốc gia giữ được thế cân bằng chiến lược giữa các trung tâm quyền lực lớn.


Từ việc là thành viên tích cực trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) mở rộng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…, đến việc duy trì đối tác chiến lược với cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU, chính sách đối ngoại "đối tác tin cậy, bạn và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" của Việt Nam không chỉ là khẩu hiệu, mà đang được triển khai linh hoạt, thực tế.


“Ngày 13/6 vừa qua, Việt Nam chính thức trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS - khối các nền kinh tế mới nổi đang thúc đẩy hợp tác toàn cầu và cải cách quản trị quốc tế. Điều này cho thấy Việt Nam mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế”, chuyên gia trên nhấn mạnh.

Chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam không có nghĩa là đứng ngoài cuộc. Thay vào đó, Hà Nội đang từng bước thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng kết nối, trung gian và kiến tạo môi trường hợp tác tại khu vực.

 

Cơ hội hợp tác Việt - Nga trong trật tự mới


Trong suốt 75 năm qua (30/1/1950 – 30/1/2025), quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã trải qua nhiều thăng trầm, chịu tác động không nhỏ từ cả những biến động nội tại và tình hình quốc tế. Tuy vậy, bất chấp những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu và tại mỗi quốc gia, truyền thống hữu nghị và hợp tác giữa hai nước vẫn được gìn giữ bền vững.


“Chính sự ổn định xuyên suốt này đã góp phần tạo nên tính chất đặc biệt và chiều sâu chiến lược cho mối quan hệ Việt - Nga ngày càng phát triển. Trong bối cảnh thế giới phân cực, sự linh hoạt của Việt Nam là tài sản ngoại giao rất đáng giá. Trong khi đó, Nga đang tái định vị mình như người bảo vệ nguyên tắc chủ quyền và công bằng trong trật tự toàn cầu”, ông Lê Minh chỉ ra.

Khi các chính sách của Mỹ trở nên thiếu nhất quán, khoảng trống chiến lược đòi hỏi sự lấp đầy bởi những đối tác có trách nhiệm. Trong đó, Nga có thể là người kiến tạo đối thoại, còn Việt Nam có thể là người trung gian đáng tin cậy.


Đây là thời điểm để hai quốc gia không chỉ làm sâu sắc quan hệ song phương, mà còn cùng nhau góp phần xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên đối thoại, tôn trọng chủ quyền và phát triển bền vững.

Nguồn: kevesko.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.