Chuyên mục
Iran và khả năng tái thiết sức mạnh quân sự

Iran và khả năng tái thiết sức mạnh quân sự

Thứ ba 01/07/2025 19:48 GMT + 7

Đáp trả nguy cơ bị tấn công, Tehran đẩy mạnh đầu tư vào khí tài tầm xa và phòng không hiện đại, với kỳ vọng thay đổi cán cân sức mạnh ở Trung Đông.

 


Tên lửa được phóng trong giai đoạn hai của loạt cuộc tập trận Eqtedar ở Tây Nam Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN


Bình luận với Tạp chí An ninh Quốc gia (National Security Journal) có trụ ở tại Mỹ mới đây, Tiến sĩ Brent M. Eastwood, cựu sĩ quan Lục quân Mỹ, cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị biến động ở Trung Đông và sau những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân, Iran đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tái thiết và tăng cường năng lực quân sự. Liệu Tehran sẽ lựa chọn những "quân bài" nào từ Trung Quốc và Nga để củng cố sức mạnh phòng thủ và tấn công, nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai?

Việc Iran tái vũ trang mạnh mẽ không chỉ là một phản ứng tức thời mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm đối phó với những thách thức an ninh trong khu vực. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei dường như đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài, và điều này đồng nghĩa với việc tìm kiếm các trang thiết bị quân sự hiện đại. Tiến sĩ Eastwood dự đoán 3 lĩnh vực trọng tâm mà Iran có thể ưu tiên đầu tư là không quân, phòng không và khả năng tấn công tầm xa.

Không quân: Su-75 hay J-10CE?

Để củng cố lực lượng không quân, Iran có hai lựa chọn nổi bật: máy bay chiến đấu J-10CE của Trung Quốc hoặc máy bay chiến đấu tàng hình Su-75 "Checkmate" của Nga.

Về J-10CE: Với mức giá cạnh tranh khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, J-10CE được đánh giá là một máy bay chiến đấu nhanh và cơ động, ngang tầm với F-16 Fighting Falcon của Mỹ. Khả năng chiến đấu của J-10CE đã được chứng minh trong cuộc đụng độ trên không giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 5 vừa qua, khi máy bay J-10CE của Pakistan được cho là đã bắn hạ tới 4 máy bay Dassault Rafales của Ấn Độ mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.

J-10CE là lựa chọn đa năng, có thể thực hiện cả nhiệm vụ không chiến và tấn công mặt đất, với tốc độ Mach 1.8 và các tính năng hiện đại như radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) và hệ thống đối phó điện tử tích hợp (ECM). Đối với Iran, đây là một lựa chọn thực tế và có thể mang lại hiệu quả tức thì, với thời gian đào tạo phi công khoảng 6-12 tháng.

Với Su-75 Checkmate: Mặc dù loại máy bay này của Nga vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng với mức giá hấp dẫn chỉ 30 triệu USD mỗi chiếc, đây có thể là một lựa chọn đầy tiềm năng cho Iran nếu Nga tìm kiếm khách hàng. Su-75 được quảng cáo là có tốc độ Mach 2, dựa trên các tính năng buồng lái và lớp phủ tàng hình từ Su-57 Felon, và có khả năng được tích hợp trí tuệ nhân tạo. Nga thậm chí tin rằng Su-75 sánh ngang với F-35 Lightning II của Mỹ. Tuy nhiên, tính khả thi và thời gian triển khai của Su-75 vẫn là một dấu hỏi lớn.

Phòng không: S-300 và S-400 - Lá chắn không thể thiếu

Hệ thống phòng không của Iran đang rất cần được bổ sung sau những cuộc tấn công từ Israel và Mỹ. Nga có thể là nguồn cung cấp chính với các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) S-300 và S-400.

S-300 – Hệ thống quen thuộc, đáng tin cậy: Iran đã quen thuộc với hệ thống S-300, với việc mua phiên bản S-300PMU2 được cập nhật từ năm 2016. S-300 đã chứng minh hiệu quả trong việc tiêu diệt máy bay đối phương kể từ cuối những năm 1970, với tầm bắn tối đa khoảng 150 km. Việc mua thêm S-300 sẽ giúp Iran nhanh chóng khôi phục khả năng phòng thủ tên lửa đã bị tổn thất.

S-400 Triumf – Bước nhảy vọt về công nghệ: S-400 Triumf là một hệ thống SAM phức tạp và tiên tiến hơn nhiều, với các thông số kỹ thuật ấn tượng. Hệ thống này sử dụng bệ phóng di động và có tầm bắn xa lên tới 400 km, tương đương với hệ thống Patriot của Mỹ. Mặc dù việc vận hành phức tạp hơn và giá thành cao hơn, S-400 sẽ mang lại cho Iran khả năng phòng thủ vượt trội. Tuy nhiên, tình hình xung đột ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp S-400 của Nga. Theo các chuyên gia, việc sở hữu thêm S-300 và S-400 là ưu tiên hàng đầu, bởi Tehran không thể chiến đấu mà không có hệ thống phòng thủ tên lửa vững chắc.

Bom lượn Nga – Sức mạnh tấn công tầm xa giá rẻ

Bên cạnh việc tăng cường không quân và phòng không, Iran có thể tìm kiếm các loại bom lượn chính xác do Nga sản xuất. Những quả bom này đã được chứng minh hiệu quả trong cuộc xung đột ở Ukraine. Với khả năng phóng từ bên trong không phận an toàn, có hệ thống dẫn đường GPS và độ chính xác cao hơn bom thông thường, bom lượn là một giải pháp tấn công tầm xa mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí hơn tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Với trọng lượng từ 500 kg đến 3 tấn, chúng có sức công phá đáng kể.

Việc Iran mua sắm các hệ thống vũ khí trên sẽ nâng cao đáng kể khả năng trong một cuộc đối đầu kéo dài. Tuy nhiên, quá trình này cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nhu cầu đầu tư đáng kể, thời gian đào tạo phi công và kỹ thuật viên, cũng như khả năng Nga và Trung Quốc có muốn cung cấp hay không.


Vũ Thanh

Nguồn: baotintuc.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.