Chuyên mục
Elon Musk, tỷ phú sở hữu thế lực địa chính trị tự thân

Elon Musk, tỷ phú sở hữu thế lực địa chính trị tự thân

Chủ nhật 15/09/2024 04:21 GMT + 7

Việc tỷ phú Elon Musk không tuân thủ lệnh Tòa án Tối cao Brazil cho thấy sức mạnh khủng khiếp của ông Musk và đế chế kinh doanh của ông. Chưa nói đến tiền của, chính sức mạnh và thế lực độc lập trên phạm vi toàn cầu mà Elon Musk nắm giữ mới là thứ khiến người ta lo ngại.

 

Cân bằng tự do ngôn luận và an toàn thông tin

Một cuộc tranh cãi gay gắt đang diễn ra công khai giữa người giàu nhất thế giới Elon Musk và một thẩm phán của Tòa án Tối cao Brazil. Thẩm phán Alexandre de Moraes là người đi đầu trong việc cấm X hoạt động ở quốc gia đông dân nhất của Mỹ Latinh, trong khuôn khổ chiến dịch chống lại thông tin sai lệch.

Vào năm 2014, Brazil thông qua “Dự luật về quyền trên Internet”. Được sự ủng hộ của cả hai đảng, luật này tạo khuôn khổ quản lý Internet, đề ra các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của người dùng, áp đặt hình phạt đối với các nền tảng vi phạm các quy tắc.

Theo đó, các nền tảng Internet chỉ phải chịu trách nhiệm về nội dung có hại do người dùng tạo ra nếu họ không xóa nội dung đó sau khi nhận được lệnh của tòa án. Cách tiếp cận này nhằm tạo sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và đảm bảo rằng nội dung bất hợp pháp và có hại có thể bị xóa.

 

Thẩm phán Alexandre de Moraes là người đi đầu trong việc cấm X hoạt động ở quốc gia đông dân nhất của Mỹ Latinh, trong khuôn khổ chiến dịch chống lại thông tin sai lệch. Ảnh: AP.

 

Nhưng luật năm 2014 không đề ra các quy tắc chi tiết về kiểm duyệt nội dung, mà đặt phần lớn trách nhiệm vào tay các nền tảng như Facebook và X. Và sự gia tăng của thông tin sai lệch trong những năm gần đây, đặc biệt là xung quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 của Brazil, đã phơi bày những hạn chế của khuôn khổ này. Khi đó, Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy cực hữu Jair Bolsonaro và những người ủng hộ ông đã bị cáo buộc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như X để phát tán thông tin sai lệch, gieo rắc nghi ngờ về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử của Brazil và kích động bạo lực.

Khi ông Bolsonaro thất bại trước Tổng thống cánh tả Lula da Silva, một chiến dịch phủ nhận kết quả bầu cử đã phát triển mạnh mẽ trên mạng Internet và lên đến đỉnh điểm vào ngày 8/1/2023, khi những người ủng hộ ông Bolsonaro xông vào Quốc hội Brazil, Tòa án Tối cao và cung điện tổng thống - tương tự như cuộc bạo loạn ở Điện Capitol của Mỹ hai năm trước đó.

Tòa án Tối cao đã đưa ra một quyết định hiếm thấy: giao cho thẩm phán Moraes quyền lực rộng rãi để buộc các mạng xã hội gỡ bỏ nội dung bị ông xem là đe dọa đến nền dân chủ. Ông tiến hành chiến dịch "làm sạch" Internet bằng cách buộc các mạng xã hội phải gỡ bỏ hàng ngàn bài đăng và chỉ cho họ vài giờ để chấp hành.

 

Người biểu tình xông vào Quốc hội Brazil ngày 8/1/2023. Ảnh: AP.

 

Tòa án Tối cao đã yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội - chẳng hạn như Facebook, Instagram và X - giao nộp địa chỉ IP và đình chỉ các tài khoản có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.

Nhưng vào thời điểm này, ông Elon Musk, người tự nhận mình là người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận, đã mua lại nền tảng này, hứa sẽ ủng hộ tự do ngôn luận, khôi phục các tài khoản bị cấm và giảm đáng kể chính sách kiểm duyệt nội dung của nền tảng.

Ông Musk đã công khai bất chấp lệnh của Tòa án Tối cao ngay từ đầu. Vào tháng 4/2024, nhóm phụ trách các vấn đề chính phủ toàn cầu của X đã bắt đầu chia sẻ thông tin với công chúng về những gì họ coi là yêu cầu "bất hợp pháp" từ Tòa án Tối cao. Mâu thuẫn leo thang vào cuối tháng 8 khi đại diện pháp lý của X tại Brazil từ chức và ông Musk từ chối chỉ định một đại diện pháp lý mới - một động thái được thẩm phán Moraes giải thích là nhằm mục đích trốn tránh luật pháp.

Để đáp lại, thẩm phán Moraes đã ra lệnh cấm nền tảng này vào ngày 31/8/2024, kèm theo đó là các hình phạt nặng đối với những người Brazil cố gắng lách lệnh cấm. Bất kỳ ai sử dụng mạng riêng ảo hoặc VPN để truy cập X đều phải đối mặt với khoản tiền phạt gần 9.000 đô la Mỹ mỗi ngày - cao hơn thu nhập trung bình hàng năm của nhiều người Brazil. Những quyết định đó đã được một hội đồng gồm năm thẩm phán Tòa án Tối cao phê chuẩn vào ngày 2/9/2024.

Tự do ngôn luận không phải là tự do gây hấn; tự do ngôn luận không phải là tự do phá hoại nền dân chủ, thể chế, phẩm giá và danh dự của người khác; tự do ngôn luận không phải là tự do phát tán lời nói thù hận và định kiến.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Alexandre De Moraes.

Cuộc chiến giữa X và Tòa án Tối cao Brazil đã bị lợi dụng cho mục đích chính trị. Phe đối lập và phe cánh hữu công kích chính quyền của Tổng thống Lula da Silva và Tòa án Tối cao, coi việc đình chỉ nền tảng này là biểu hiện cho sự can thiệp quá mức của Nhà nước. Vào ngày 7/9, hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro đã tham gia vào cuộc biểu tình "ủng hộ quyền tự do ngôn luận".

Brazil có hơn 22 triệu người dùng mạng xã hội X, trước đây là Twitter. Lệnh cấm là đỉnh điểm của cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa ông chủ của mạng xã hội X Elon Musk và Tòa án Tối cao Brazil.

Những quốc gia nào cấm X?

Những cáo buộc đối với thẩm phán cũng như chính phủ Brazil hoàn toàn không đúng với những nỗ lực thận trọng và cân bằng mà nước này đang thực hiện nhằm quản lý các nền tảng xã hội suốt hơn một thập kỷ qua, bắt đầu bằng Luật về quyền trên Internet.

Theo tờ The New York Times, đây là một trong những nỗ lực toàn diện nhất (ở một số khía cạnh, hiệu quả nhất) để chống lại nạn thông tin sai lệch trên Internet. Nhiều quốc gia khác cũng đang có những cách riêng của mình để có được một môi trường mạng trong sạch hơn.

Iran đã chặn nền tảng X vào tháng 6/2009, khi nó vẫn mang tên gọi là Twitter và do người đồng sáng lập Evan Williams lãnh đạo. Vào thời điểm đó, nhiều nhà hoạt động và nhóm đối lập của chính phủ đã sử dụng nền tảng này như một công cụ truyền thông để kích động biểu tình.

Tại Trung Quốc vào năm 2011, WeChat, ứng dụng dịch vụ nhắn tin tất cả trong một, đã được ra mắt tại Trung Quốc, thay thế cho nhiều ứng dụng xã hội khác.

 

Hình ảnh ứng dụng WeChat. Ảnh: Getty Images.

 

Triều Tiên đã chặn Twitter cùng với YouTube và Facebook vào tháng 4/2016 khi nền tảng này do người đồng sáng lập Jack Dorsey lãnh đạo.

Myanmar đã chặn Twitter vào tháng 2/2021, vài tháng trước khi Musk lên lãnh đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm quảng cáo trên Twitter vào tháng 1/2021. Đây là kết quả của luật truyền thông xã hội mới yêu cầu đại diện địa phương của nền tảng xã hội phải gỡ bỏ nội dung gây tranh cãi.

Venezuela đã ra lệnh chặn X trong 10 ngày vào tháng trước, sau khi cơ quan bầu cử tuyên bố đương kim Nicolas Maduro là người chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Bộ Nội vụ Pakistan đã chặn X với lý do lo ngại về an ninh quốc gia trước cuộc bầu cử vào tháng 2.

Ethiopia đã cấm nhiều nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter, vào tháng 2/2023 để ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực liên quan đến nỗ lực chia rẽ Giáo hội Chính thống giáo Tewahedo của Ethiopia. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vài tháng sau đó.

 

Ethiopia đã cấm nhiều nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter vào tháng 2 năm 2023. Ảnh: Internet.

 

Cơ quan giám sát Internet của Australia, Ủy viên eSafety, đã ra lệnh cho X và Meta gỡ bỏ các video về vụ tấn công bằng dao tại một nhà thờ Chính thống giáo Assyria ở Sydney vào ngày 16/4 năm nay. Ủy viên eSafety Julie Inman Grant lập luận rằng các bài đăng về vụ tấn công nên được gỡ bỏ ở mọi nơi, kể cả bên ngoài Australia.

Trong khi Meta tuân thủ lệnh, X chỉ chặn các video này ở trong Australia. Tòa án Liên bang Australia đã gia hạn lệnh khẩn cấp yêu cầu X xóa các video, nhưng ông Musk từ chối tuân thủ và cáo buộc Australia cố gắng áp đặt kiểm duyệt trên toàn thế giới.

Thế lực độc lập của Elon Musk

Căng thẳng này không chỉ đơn thuần là việc đối đầu giữa chính phủ với tập đoàn. Một số lý thuyết truyền thông chỉ ra rằng động lực sâu xa hơn ở đây là đế chế truyền thông. Theo quan niệm này, các tập đoàn truyền thông hùng mạnh, thường có trụ sở tại phương Tây áp đặt các giá trị, chuẩn mực và ảnh hưởng của họ lên các quốc gia khác, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

Lý thuyết này đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp toàn cầu của tỷ phú Elon Musk như X và Starlink, hoạt động xuyên biên giới quốc gia và ít quan tâm đến luật pháp địa phương.

Chưa nói đến tiền của, chính sức mạnh và thế lực độc lập trên phạm vi toàn cầu mà Elon Musk nắm giữ mới là thứ khiến người ta lo ngại. Công ty tên lửa SpaceX, hiện là phương tiện duy nhất mà NASA có thể đưa các phi hành gia vào không gian từ đất Mỹ. Một dự án khác của ông, là Tesla, kiểm soát mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất cả nước.

 

Công ty tên lửa SpaceX, hiện là phương tiện duy nhất mà NASA có thể đưa các phi hành gia vào không gian từ đất Mỹ. Ảnh: SpaceX.

 

Trong khi đó, dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của Musk là công cụ thông tin liên lạc chính của Ukraine trên chiến trường. Vào mùa thu năm ngoái, sau khi một số đơn vị của Ukraine mất quyền truy cập vào dịch vụ này, các quan chức Lầu Năm Góc đã phải khẩn khoản xin Elon Musk.

Lầu Năm Góc đã lập ra một kế hoạch trị giá 1,5 tỷ đô la để phóng 72 vệ tinh quỹ đạo thấp của riêng mình. Nhưng không đáng kể so với hơn 4.500 vệ tinh của Elon Musk.

Việc ông Musk không tuân thủ lệnh Tòa án Tối cao Brazil cũng cho thấy sức mạnh khủng khiếp của ông Musk và đế chế kinh doanh của ông. Sau khi xây dựng hoặc mua lại các công ty hàng đầu, ông nắm trong tay quyền kiểm soát ngày càng tăng đối với cách mọi người kết nối và giao tiếp, và ông Musk đang tận dụng ảnh hưởng đó để đối đầu với chính quyền và thách thức các luật mà ông không thích.

Starlink có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tại Brazil mà không cần giấy phép, bất chấp luật pháp Brazil. Nếu như các nhà cung cấp Internet truyền thống thường làm việc với một loạt các công ty cơ sở hạ tầng Internet để cung cấp kết nối, Starlink về cơ bản kết nối vệ tinh của mình trực tiếp với ăng-ten của khách hàng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

 

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Reuters.

 

Trong trường hợp của Brazil, hành động của Musk có thể được coi là nỗ lực khẳng định quyền lực của một nền tảng toàn cầu đối với chính quyền địa phương. X, dưới sự lãnh đạo của Elon Musk, từ chối tuân thủ các yêu cầu cụ thể của chính phủ Brazil, đặt ra câu hỏi về việc ai kiểm soát thông tin lưu hành trong một quốc gia.

Cả ông Musk và chính phủ Brazil đều đang cạnh tranh để thiết lập chương trình nghị sự. Ông Musk ủng hộ một môi trường tự do ngôn luận gần như không bị hạn chế trên X, trong khi Brazil tập trung vào việc ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch và duy trì sự an toàn trên không gian mạng. Câu hỏi về việc ai cuối cùng kiểm soát chương trình nghị sự - Musk hay Nhà nước - vẫn là vấn đề then chốt.

Mỗi công dân từ bất kỳ nơi nào trên thế giới đầu tư vào Brazil đều phải tuân thủ Hiến pháp Brazil và luật pháp Brazil. Do đó, nếu Tòa án Tối cao ra quyết định rằng một công dân phải tuân thủ một số điều nhất định, thì phải tuân thủ. Một người có nhiều tiền không có nghĩa là anh ta có thể coi thường (luật pháp), anh ta là công dân Mỹ, không phải là công dân của cả thế giới. Anh ta không thể tiếp tục xúc phạm tổng thống, xúc phạm đại biểu, xúc phạm thượng nghị sĩ, xúc phạm Quốc hội, xúc phạm Tòa án Tối cao. Anh ta nghĩ mình là ai? Điều tiếp theo là anh ta cần phải tôn trọng quyết định của Tòa án Tối cao Brazil. Nếu anh ta muốn, thì tốt. Nếu anh ta không muốn, hãy đợi đấy. Nếu không, đất nước này sẽ không bao giờ có chủ quyền.


Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva.

Xung đột giữa Musk và Brazil phản ánh cuộc đấu tranh toàn cầu rộng lớn hơn giữa quyền lực của công ty và chủ quyền của Nhà nước trong thời đại kỹ thuật số. Khi các công ty công nghệ như X và Starlink ngày càng có ảnh hưởng hơn, gây áp lực ngày càng tăng lên các chính phủ quốc gia. Những gì chúng ta đang thấy là một thách thức đối với vai trò truyền thống của các quốc gia trong việc duy trì quyền kiểm soát thông tin trong biên giới của họ. Vụ Musk kiện Brazil đặt ra những câu hỏi lớn về trách nhiệm giải trình, quản trị và tương lai của phương tiện truyền thông trong một thế giới mà các nền tảng ngày càng mang tính toàn cầu, nhưng luật pháp vẫn mang tính địa phương.

 

Tài khoản của tỷ phú Elon Musk trên mạng xã hội X bị chặn ở Brazil hôm 31/8. Ảnh: Reuters.

 

Cuộc đối đầu giữa Elon Musk với Brazil cho thấy sự phức tạp ngày càng tăng trong quản trị truyền thông. Sự cân bằng giữa bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quản lý nội dung có hại và việc khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các nền tảng toàn cầu là vấn đề mà tất cả các quốc gia sẽ cần giải quyết trong những năm tới.

Elon Musk có được tầm ảnh hưởng toàn cầu hiện nay không phải nhờ khả năng kiểm soát dầu mỏ, tài chính hay quân đội tư nhân mà là nhờ những công nghệ quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế, an ninh quốc gia và dư luận. Với những gì đang diễn ra, một số ít gã khổng lồ công nghệ, do những nhân vật như Elon Musk đứng đầu có thể tác động đến hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra và cần giải quyết, đó là liệu các quốc gia như Brazil có thể khẳng định được quyền lực của mình để kiểm soát các nền tảng toàn cầu hay không?


Hiền Thảo

Nguồn: hanoionline.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.