Chuyên mục
Thổ Nhĩ Kỳ : 'Con át chủ bài' cản bước EU loại bỏ khí đốt Nga?

Thổ Nhĩ Kỳ : 'Con át chủ bài' cản bước EU loại bỏ khí đốt Nga?

Thứ tư 14/05/2025 06:06 GMT + 7

Kế hoạch đoạn tuyệt năng lượng Nga của EU gặp trở ngại lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như trung tâm trung chuyển mới, giữ vai trò then chốt trong bàn cờ địa chính trị.

 

Công nhân điều chỉnh van tại trạm khí nén Slavyanskaya trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Tập đoàn Gazprom ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN.


Liên minh châu Âu (EU) đang ấp ủ kế hoạch đầy tham vọng: loại bỏ hoàn toàn khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, theo trang tin oilprice.com, vai trò ngày càng lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm khí đốt khu vực có thể sẽ gây ra không ít trở ngại cho nỗ lực này của Brussels.

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của EU về việc đoạn tuyệt với năng lượng Nga, Hungary và Slovakia vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga thông qua đường ống TurkStream. Điều này không chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của hai quốc gia này mà còn đi ngược lại mục tiêu chung của EU.

Một yếu tố đáng lo ngại hơn là Thổ Nhĩ Kỳ đang nuôi tham vọng thay thế Ukraine trở thành tuyến trung chuyển khí đốt chính từ Nga sang châu Âu. Nếu điều này trở thành hiện thực, ảnh hưởng của Nga trong thị trường khí đốt châu Âu sẽ càng được củng cố, đặt ra thách thức không nhỏ cho các mục tiêu năng lượng của Brussels.

Mới đây, Ủy ban Châu Âu đã công bố kế hoạch chi tiết nhằm đưa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga về con số không. Theo đó, EU sẽ cấm các quốc gia thành viên ký kết các hợp đồng cung cấp mới với tập đoàn khổng lồ năng lượng Nga Gazprom, đồng thời tìm cách giúp họ thoát khỏi các hợp đồng hiện tại mà không phải chịu các khoản phạt do vi phạm.

Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ một số thành viên EU, đặc biệt là Hungary và Slovakia. Hai quốc gia này lo ngại rằng việc cắt đứt nguồn cung khí đốt Nga sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu do chi phí năng lượng tăng cao.

Mặc dù Ủy ban Châu Âu có thể tìm cách áp đặt kế hoạch này lên các quốc gia thành viên thông qua cơ chế bỏ phiếu đa số đủ điều kiện, nhưng Brussels lại bất lực trong việc ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm khí đốt lớn, nơi tập trung một lượng lớn khí đốt của Nga.

Hungary và Slovakia hiện đang nhận khí đốt Nga thông qua đường ống TurkStream, chạy dưới Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục đến Đông Âu. Theo Martin Vladimirov, nhà phân tích năng lượng người Bulgaria từ Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, sự tồn tại của đường ống này có nguy cơ kéo dài sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga. Ông chỉ ra rằng, TurkStream đã làm tăng lượng khí đốt Nga nhập khẩu vào Trung và Đông Nam Âu từ khoảng 30% vào năm 2021 lên hơn 50% vào năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga, sử dụng một phần cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu phần còn lại sang Đông Nam Âu. Ankara cũng có kế hoạch đầy tham vọng là trở thành một trung tâm khí đốt tự nhiên lớn trong khu vực, thông qua cả hoạt động nhập khẩu từ Nga và Trung Á, cũng như thăm dò và sản xuất trong nước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn công khai ý định thay thế Ukraine trở thành tuyến đường trung chuyển chính giữa các mỏ khí đốt của Nga và người tiêu dùng châu Âu.

Dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, chuyên gia Vladimirov cho biết Hungary hiện là nước nhập khẩu khí đốt TurkStream lớn nhất, với lưu lượng dự kiến đạt 8 tỷ mét khối trong năm nay, tăng so với 6 tỷ mét khối vào năm 2023. Slovakia cũng có kế hoạch tăng lưu lượng khí đốt qua đường ống này bằng cách sửa đổi hợp đồng dài hạn với Gazprom. Các quốc gia khác nhận khí đốt từ TurkStream bao gồm Bulgaria, Serbia, Romania và một số quốc gia Tây Balkan.

Mặc dù chuyên gia Vladimirov cho rằng các dòng khí đốt này hoàn toàn có thể được thay thế bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng ông thừa nhận rằng điều này sẽ đi kèm với một cái giá không hề nhỏ. Chính yếu tố chi phí này đang khiến việc EU từ bỏ khí đốt Nga trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Kết hợp với sự tồn tại của đường ống TurkStream và các nhà ga nhập khẩu LNG của Thổ Nhĩ Kỳ, mọi nỗ lực của Ủy ban Châu Âu nhằm hiện thực hóa kế hoạch loại bỏ khí đốt Nga có nguy cơ thất bại.

Bởi lẽ, ngay cả khi Brussels bằng cách nào đó cấm Hungary và Slovakia mua khí đốt từ bất kỳ nguồn nào họ muốn, hai quốc gia này vẫn có khả năng tiếp tục sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cung cấp khí đốt. Điều đáng nói là các phân tử khí đốt không có "tem xuất xứ", khiến việc xác định nguồn gốc trở nên vô cùng khó khăn.

Khí đốt mà EU nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai có thể đến từ Trung Á, nhưng cũng hoàn toàn có khả năng đến từ Nga, bất chấp mọi biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn điều này xảy ra. Tình huống này tương tự như những gì đã xảy ra với dầu mỏ và hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, được cho là đã thay thế hàng nhập khẩu trực tiếp từ Nga.


Vũ Thanh

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.