Chuyên mục
Ông Trump quay ngoắt 180 độ: Từ cảnh báo sắc lạnh đến thỏa hiệp với Nga?

Ông Trump quay ngoắt 180 độ: Từ cảnh báo sắc lạnh đến thỏa hiệp với Nga?

Thứ sáu 23/05/2025 18:12 GMT + 7

Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ cách tiếp cận ngoại giao con thoi mà chính quyền của ông đã theo đuổi kể từ tháng 1/2025, trong đó có việc thúc đẩy ngừng bắn và đàm phán đi kèm với cảnh báo cứng rắn về lệnh trừng phạt. Thay vào đó, ông Trump có vẻ dần chấp nhận lập trường của ông Putin.


New York Times đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Ukraine và Nga phải tự chấm dứt cuộc xung đột. Ông Trump cũng chia sẻ riêng với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, ông Putin chưa sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột vì cho là Nga đang giành lợi thế.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Fox News.


Ông Trump quay ngoắt 180 độ

Phát biểu trên dường như trái ngược với cam kết ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Ở thời điểm đó, ông Trump nói có thể chấm dứt cuộc chiến trong "24 giờ". Việc ông Trump không chỉ trích ông Putin khi nhà lãnh đạo Nga vắng mặt trong các cuộc đàm phán hòa bình cùng tuyên Nga và Ukraine phải tự chấm dứt xung đột, đã làm gia tăng mối lo ngại Mỹ đang dần rút khỏi nỗ lực trung gian hòa giải.

New York Times dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, ông Trump sẽ không tham gia lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga nếu Tổng thống Putin từ chối ngừng bắn vì những cơ hội thương mại mà Nga mang lại.

"Ngoài chi phí thực thi, lệnh trừng phạt còn khiến Mỹ đánh mất cơ hội kinh tế lớn. Tổng thống Trump luôn muốn tối đa hóa các cơ hội kinh tế cho người Mỹ và lệnh trừng phạt cản trở các cơ hội kinh doanh", người phát ngôn của Nhà Trắng nói với Newsweek.

Nhà nghiên cứu Marina Miron thuộc Đại học King's College London nhận định: "Chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho Mỹ. Nếu việc xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga mang lại lợi ích cho Mỹ thì chính quyền ông Trump có thể sẽ không áp lệnh trừng phạt”. Bà Marina Miron lưu ý, có nhiều điều mà Mỹ có thể thảo luận với người Nga, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ với Iran.

"Ukraine không có cùng đòn bẩy đó. Về cơ bản, Mỹ đã có được những gì họ cần từ Ukraine", bà Marina Miron nói, viện dẫn thỏa thuận khoáng sản mà hai nước ký kết vào ngày 30/4, cho phép Mỹ có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng Anh cho rằng, quyết định của ông Trump từ bỏ cách tiếp cận ưu tiên trừng phạt Nga sẽ gây sốc cho châu Âu.

Sau cuộc tranh luận căng thẳng với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025, Tổng thống Zelensky đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn vô điều kiện của Mỹ, ký một thỏa thuận khoáng sản với Washington và đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán.

Những lo ngại về việc Tổng thống Trump thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng có thể giúp Nga chiếm ưu thế đã phần nào được xoa dịu khi ông Trump cảnh báo áp thuế và lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu nước này từ chối đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày. Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump dường như đã đưa ra lý do giải thích cho sự vắng mặt của ông Putin trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, tuyên bố rằng "sẽ không có gì xảy ra cho đến khi Putin và tôi gặp nhau".

Từ cam kết chấm dứt xung đột đến thỏa hiệp với Nga?

Theo nhà phân tích Foreman, Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ cách tiếp cận ngoại giao con thoi mà chính quyền của ông đã theo đuổi kể từ tháng 1/2025, trong đó có việc thúc đẩy ngừng bắn và đàm phán đi kèm với cảnh báo cứng rắn về các lệnh trừng phạt. Thay vào đó, ông Trump có vẻ dần chấp nhận lập trường của ông Putin. Vuk Vuksanovic, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu LSE IDEAS cho rằng Nga đang tận dụng thời cơ này để củng cố quyền kiểm soát của mình đối với khu vực Donbass của Ukraine. Trái lại, Ukraine đang nỗ lực thuyết phục ông Trump rằng Moscow cản trở tiến trình hòa bình và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của Washington.

Tổng thống Zelensky đã kêu gọi Mỹ tiếp tục thực hiện nỗ lực chấm dứt xung đột, đồng thời nói thêm rằng điều quan trọng là Mỹ "không nên rời xa các cuộc đàm phán".

Nhưng nhà phân tích Marina Miron suy đoán, “Mỹ sẽ có lập trường thụ động hơn đối với cuộc chiến Ukraine-Nga vì châu Âu đang cố gắng can thiệp hoặc hỗ trợ Ukraine". "Nếu lợi ích của Mỹ bị đe dọa, tôi không nghĩ rằng ông Trump sẽ quay trở lại đảm nhận vai trò chủ động tích cực như trước. Chính quyền ông Trump còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết".

Chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu

Trong khi Mỹ ngần ngại tung đòn trừng phạt mới với Nga, Liên minh châu Âu và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất, nhắm vào các tàu thuyền bị cáo buộc vận chuyển dầu mỏ Nga bất hợp pháp để lách các hạn chế của phương Tây. EU cũng áp đặt lệnh đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức cũng như một số công ty Nga.

Một quan chức châu Âu cho rằng ông Trump "có vẻ không muốn tham gia vào nỗ lực trừng phạt”, đồng thời lưu ý, lời cảnh báo với Nga mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra "phần lớn chỉ mang tính biểu tượng”.

Sự khác biệt này đã tạo ra rạn nứt giữa Washington và các đồng minh châu Âu. Nhà phân tích Foreman nhận định điều đó có thể khiến Ukraine gặp bất lợi, khi Tổng thống Zelensky chuyển chiến lược từ yêu cầu đảm bảo an ninh sang theo đuổi lệnh ngừng bắn và đàm phán, còn Mỹ thì lại dao động về lập trường. Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump còn kế hoạch gây sức ép mạnh mẽ có Nga hay không khi điều này gây rủi ro cho mối quan hệ kinh tế.

Nhưng ông Foreman cho rằng, chính quyền ông Trump vẫn chưa chấm dứt việc vận chuyển vũ khí hoặc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, cũng như chưa hủy bỏ các lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga. “Khi giao tranh giữa Nga và Ukraine dữ dội hơn, ông Trump có thể lại thay đổi hướng đi", chuyên gia Foreman lưu ý.


Hồng Anh (biên dịch) Theo Economic Times

Nguồn: vov.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.