Chuyên mục
Nga khuất phục phương Tây bằng 'bộ óc'
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga khuất phục phương Tây bằng 'bộ óc'

Chủ nhật 03/11/2019 10:02 GMT + 7
Phương Tây hưởng lợi nhưng lại tự phá vỡ hệ thống dựa trên luật lệ của chính mình, thực hiện các tiêu chuẩn kép và không thể tự chịu trách nhiệm.

Phương Tây mất đặc quyền

Viện Lowy của Australia mới đây đăng bài viết của tác giả Elizabeth Buchanan có tựa đề “Nga muốn gì ở một thế giới đa cực?”.

Bài viết một mặt bảo vệ trật tự quốc tế hình thành sau Thế chiến II, mặt khác thừa nhận sự nổi lên của các “cực” mới. Tuy nhiên, tâm điểm của những lập luận là việc nhấn mạnh tính thực dụng trong chính sách của Nga và đề xuất hợp tác với Moscow.

Theo bài viết, Đại sứ Nga tại Australia Alexei Pavlovsky đã có một bài phát biểu quan trọng tại trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) về cấu trúc chiến lược của Nga và về cựu Ngoại trưởng Nga Yevgeny Primakov. Đại sứ Pavlovsky được cho là đã than vãn về “những nỗ lực thành lập một mô hình đơn cực”.

Tổng thống Nga V. Putin

Tác giả Buchanan hoài nghi về cái gọi là nỗ lực để xây dựng cấu trúc đơn cực sau Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo, đồng thời cho rằng các bên đã tham gia vào các cuộc thảo luận vô bổ xung quanh việc ai giành chiến thắng và ai thua cuộc.

Bài viết cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, sự hồi sinh của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, và những thay đổi quyền lực, “sự suy giảm” của Mỹ đã không dẫn đến sự thất bại của mô hình đơn cực sau thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Cấu trúc đơn cực này đơn thuần là tiền thân của cấu trúc đa cực vốn đang nổi lên.

Theo Đại sứ Nga Pavlovsky, cơ sở kinh tế phát triển cùng với ảnh hưởng của mình, các nước như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ “hoàn toàn có quyền yêu cầu một vai trò lớn hơn” trong các quy trình ra quyết định toàn cầu trong một cấu trúc đa cực. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, tác giả Buchanan cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Giải thích cho quan điểm này, Buchanan nêu lên luận điểm đầu tiên là các thể chế cho các tiến trình ra quyết định vẫn dựa vào các tổ chức sau Thế chiến II mà không được thiết kế để có sự tham gia đa cực. Các cực quyền lực trong hệ thống mới nổi hiện nay, bao gồm các quốc gia châu Á và châu Phi, không có chỗ ở những nơi như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thứ hai, một hệ thống đa cực mới chắc chắn đòi hỏi các quy tắc mới. Đại sứ Nga Pavlovsky tin rằng phương Tây “đang mất đi đặc quyền là người duy nhất định hình chương trình nghị sự toàn cầu”.

Các "giá trị" của Mỹ và phương Tây luôn được Tomahawk hậu thuẫn

Bài viết không phủ nhận đánh giá của quan chức Nga rằng phương Tây đã được hưởng lợi phần lớn từ việc viết ra các quy tắc, nhưng phương Tây cũng phá vỡ hệ thống dựa trên luật lệ của chính mình, thực hiện các tiêu chuẩn kép và không thể tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Australia cũng nhất trí với Đại sứ Pavlovsky rằng “nói về sự hình thành của thế giới đa cực thì trước hết hãy nói về châu Á”. Châu Á-Thái Bình Dương sở hữu một số cực quyền lực trong hệ thống đa cực đang nổi lên, trong đó có việc Nga xoay trục sang khu vực.

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và sự đình trệ kinh tế trong nước, Moscow đã tăng tỷ trọng của các nền kinh tế APEC trong ngoại thương của Nga từ 23% đến 31% và thể hiện rõ ý định không “dừng lại ở đó”.

Bộ óc ngoại giao của Nga

Xuất phát từ những đánh giá trên, chuyên gia Australia nhấn mạnh Tổng thống Nga Putin tiếp tục di sản của cựu Ngoại trưởng Primakov và ngày nay chiến lược của Nga vẫn còn thực dụng.

Chính Thủ tướng Australia Scott Morrison dường như đã chú ý đến quan điểm này và lặp lại kỳ vọng của người Nga về “sự khác biệt của các quốc gia độc lập” được “bảo đảm trong khuôn khổ tôn trọng lẫn nhau”.

Tác giả Buchanan cho rằng, Canberra vẫn bị phân tâm bởi sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu Australia có chính sách đối ngoại được hướng dẫn bởi những nguyên tắc lợi ích quốc gia của cựu Ngoại trưởng Nga Primakov, thì nước này sẽ phát triển một chiến lược thiên về lợi ích kinh tế trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời củng cố quan hệ quốc phòng với các cường quốc khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hay Hàn Quốc.

Binh sĩ và xe bọc thép Nga tham gia tuần tra khu vực biên giới Syria cùng Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyên gia Australia liên hệ bài phát biểu của Đại sứ Pavlovsky với tầm nhìn về trật tự thế giới đa cực vốn được cựu Ngoại trưởng Primakov hình dung ra trước đó hàng thập kỷ, coi đây là sự gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách của Australia. Với một chính sách đối ngoại độc lập, Australia có thể đóng một vai trò quyết định trong khu vực.

Buchanan cho rằng, một cuộc đối thoại Nga-Australia phải là thành phần của bất kỳ chính sách đối ngoại độc lập nào được Canberra xây dựng. Thách thức hiện nay dường như là làm thế nào để học cách làm việc với Moscow vì lợi ích chung, đồng thời phát triển khả năng hạn chế quan hệ với Nga khi lợi ích quốc gia đòi hỏi Australia phải làm vậy.

Lời khuyên được đưa ra là nên học hỏi từ mối quan hệ hiện nay giữa Bắc Kinh và Moscow. Đây là một mối quan hệ thực dụng được dẫn dắt bởi những lợi ích hội tụ ở một số lĩnh vực, nhưng đồng thời, nó cũng là một mối quan hệ bị hạn chế bởi những xung đột lợi ích quốc gia ở những nơi khác.

Bài viết nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Australia Scott Morrison lưu ý: “Những nguyên tắc và thể chế ủng hộ hợp tác toàn cầu cần phải phản ánh thế giới hiện đại. Nó không thể được thiết lập rồi bị lãng quên”. Tuy nhiên, điều băn khoăn dường như ám ảnh chuyên gia Australia là “sự cho phép” từ Washington!

Binh sĩ Nga và Syria trong một lễ duyệt binh

Bài viết của chuyên gia Australia không trực tiếp khẳng định nhưng thực chất ám chỉ vai trò “cường quốc” của Nga. Đây cũng là điều được cựu Đại sứ Pháp tại Moscow, ông Jean de Gliniasty khẳng định với đánh giá Nga đã trở lại thành cường quốc thế giới khi kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình.

Theo ông Gliniasty, hiện là cộng tác viên Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, thành công của Nga nằm ở chỗ Moscow biết cách nói chuyện và đàm phán với tất cả các bên.

Ông nhấn mạnh, chính người Nga, chứ không phải người Mỹ, đạt được việc chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Syria, viện dẫn thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ đất nước Syria với đường biên giới trước chiến tranh.

Cũng theo cựu quan chức Pháp, ngoài kinh tế, Moscow còn có hai trụ cột khác trong chính sách đối ngoại của một cường quốc: gồm là sức mạnh mềm và an ninh. Nga đã bù đắp sự thiếu hụt “cơ hội” tài chính của một cường quốc thế giới bằng “một bộ óc ngoại giao tuyệt vời”.

Thành Minh
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.