Chuyên mục
EU xem xét cấm vận dầu Nga, giá dầu vọt lên hơn 110 USD/thùng

EU xem xét cấm vận dầu Nga, giá dầu vọt lên hơn 110 USD/thùng

Thứ hai 21/03/2022 19:40 GMT + 7

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh trong ngày 21/3 sau thông tin các nước Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc cùng với Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

 

Trong phiên chiều ngày, giá WTI của Mỹ cũng tăng 3,98 USD, tương đương 3,8%, lên 108,68 USD/thùng. Ảnh: Reuters.


Cụ thể, trong phiên chiều ngày 21/3, giá dầu Brent cộng 3,74 USD, tương đương 3,5%, lên mức 111,67 USD/thùng sau khi chứng kiến mức tăng  1,2% ở phiên thứ Sáu tuần trước. Trong khi đó, giá WTI của Mỹ cũng tăng 3,98 USD, tương đương 3,8%, lên 108,68 USD/thùng, kéo dài đà leo dốc 1,7% khi đóng cửa phiên trước đó.

Giá dầu bật tăng mạnh trước các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga hay không, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

EU cùng với các nước đồng minh phương Tây, đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt các hành động quân sự tại Ukraine.

Hiệu liên minh này đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất về mặt kinh tế là có nên áp lệnh cấm vận với lĩnh vực năng lượng của Nga hay không, như Mỹ và Anh đã làm khi các nước thành viên phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. 

Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết các nước đang thực hiện vòng trừng phạt thứ năm và nhiều biện pháp trừng phạt mới đang được đề xuất. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng EU sẽ tiến hành thảo luận trong ngày 21/3, trước khi Tổng thống Mỹ Biden đến Brussels vào ngày 24/3 để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó có Nhật Bản.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho hay các nước Baltic, bao gồm Lithuania, đang thúc đẩy lệnh cấm vận, coi đây là bước đi hợp lý tiếp theo, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng vốn đã cao ở châu Âu.

Giới đầu tư đang quan tâm đến việc liệu thị trường dầu có thể thay thế nguồn cung từ Nga hay không trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng Moscow-Kiev đang hạ nhiệt.

Chuyên gia phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Jeffrey Halley cho biết: “Kể cả khi tình hình căng thẳng tại Ukraine chấm dứt ngay, thì thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với một sự thâm hụt năng lượng mang tính cơ cấu, do các lệnh trừng phạt với Nga."

Bên cạnh đó, các hoạt động quân sự hồi cuối tuần qua nhằm vào các cơ sở năng lượng quan trọng của Ả Rập Saudi, trong đó có các cơ sở dầu khí của tập đoàn Aramco, đã làm gia tăng những quan ngại đối với thị trường “vàng đen” vốn đã thắt chặt.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, cho thấy một số thành viên vẫn đang thiếu hạn ngạch theo thỏa thuận tăng dần sản lượng đã được thống nhất trước đó. Theo báo cáo trên, sản lượng của OPEC trong tháng 2 vừa qua thấp hơn mức mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày.

Hai thành viên OPEC có khả năng gia tăng sản lượng ngay là Ả Rập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, đến nay vẫn từ chối các lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng để giúp hạ nhiệt giá dầu từ các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty năng lượng vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia tăng số giàn khoan hoạt động, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục trong thời gian gần đây.

Triển vọng nguồn cung yếu và giá tăng đã khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm 18/3 đã đưa ra các biện pháp để cắt giảm 2,7 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 4 tháng - bao gồm đi chung xe, giới hạn tốc độ thấp hơn và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng giá rẻ.

 

NGUYỄN THU

Nguồn: kinhtedothi.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.