Chuyên mục
Điều trần về đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Rất cần!

Điều trần về đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Rất cần!

Thứ năm 18/06/2020 13:13 GMT + 7

Các ý kiến đều ủng hộ đề xuất của ĐBQH nhằm làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư như thế nào...

 

Liên quan đến thông tin tổng thầu Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam phải trả tiếp 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng Việt Nam) thì mới cử chuyên gia sang tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết tổng thầu đã không nhắc tới đề nghị thanh toán số tiền trên nữa vì đã có sự "hiểu nhau".

Trước đó, Bộ GTVT đã khẳng định việc thanh toán số tiền 50 triệu USD này là không có cơ sở, phía Việt Nam chỉ thanh toán theo hợp đồng đã ký và theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, Bộ GTVT đã thông tin rằng đề nghị của tổng thầu Trung Quốc được đưa ra trong buổi làm việc với BQL Dự án đường sắt và chưa có văn bản nào về việc tổng thầu yêu cầu thanh toán số tiền trên.

 

"Đây không phải là số tiền phát sinh thêm và tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ nên họ cần 50 triệu USD trước khi bàn giao dự án.

Tổng thầu đề xuất thì cứ đề xuất, được thì tốt, mà không được thì thôi, nên khi Bộ GTVT kiên quyết từ chối thì họ đành chấp nhận", ông Thám giải thích.

Câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao sự cứng rắn này không được sử dụng để thúc tiến độ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho rằng, phía Việt Nam dù có kiên quyết nhưng cũng có điểm yếu của mình, giữa hợp đồng và việc thực hiện lại không được dứt khoát, rành mạch nên không ép được tổng thầu phải thực hiện đúng cam kết.

Nói thêm về điểm này, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT cho hay, dù trong hợp đồng hai bên đã ký với nhau đã có điều khoản về thời hạn hoàn thành công trình, và mỗi lần dự án trục trặc thì chúng ta lại nói tổng thầu Trung Quốc thất hứa, còn phía tổng thầu lại có ý kiến rằng có những việc là do phía chủ đầu tư (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư (BQL Dự án đường sắt), không phải do họ.


Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chạy thử tàu nhưng chưa hẹn ngày hoàn thành. Ảnh: Tuổi trẻ.


Ông dẫn ví dụ, công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm TP Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật. Khi Việt Nam khó khăn giải phóng mặt bằng để bàn giao cho tổng thầu thì đương nhiên công việc bị đình trệ lại. Đó là do lỗi ở phía chủ đầu tư cho nên dù trong trường hợp hợp đồng có quy định phạt tiền nếu chậm tiến độ thì Việt Nam cũng khó mà phạt được tổng thầu. 

Một lý do khác khiến dự án Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ được PGS.TS Nguyễn Quang Toản đề cập liên quan đến công tác giải ngân. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay. Công tác giải ngân của hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý: Hiệp định vay bổ sung được ký từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án.

"Mỗi một lần như vậy lại khiến công trình bị chậm trễ, bản thân nhà thầu cũng phải tạm dừng để chờ đợi mà phía Việt Nam vẫn tốn rất nhiều tiền.

Cho nên, dự án chậm tiến độ, kéo dài thì phải xác định đâu là lỗi của họ, đâu là lỗi của ta. Đã có lỗi của ta thì khó mà ép được tổng thầu thực hiện đúng cam kết", PGS.TS Nguyễn Quang Toản chỉ rõ.

Từ đây, các vị chuyên gia đều bày tỏ sự ủng hộ trước đề nghị của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV về việc Quốc hội cần cuộc điều trần về công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư như thế nào.

"Từ trước đến nay người dân nghe nhiều thông tin nhưng chưa được giải trình chính xác tại sao dự án chậm tiến độ, kéo dài, ai đúng, ai sai, lỗi của ta bao nhiêu %, lỗi của người bao nhiêu %... Có giải trình như thế thì mới biết sai ở đâu, ai là người chịu trách nhiệm để xử lý. Nếu chủ đầu tư đúng hoàn toàn thì chưa chắc tổng thầu đã có cớ đội vốn, chây ỳ, kéo dài dự án", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản cũng cho rằng, phải để cho Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, UBND TP. Hà Nội giải trình trước Quốc hội để từ đó có sự thay đổi, không chỉ giải quyết riêng dự án Cát Linh-Hà Đông mà còn nhiều công trình khác, không chỉ riêng với nhà đầu tư Trung Quốc mà với các nhà đầu tư nước ngoài khác.

"Không nên sợ giải trình và Quốc hội rất cần tạo tạo nên các diễn đàn để các cơ quan, đơn vị giải trình nhằm làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, hoàn cảnh như thế nào, đâu là tại mình, đâu là tại người...

Chúng ta thường rất "nhanh nhảu" trong công tác chuẩn bị. Ở Úc, một công trình đầu tư công có khi thời gian chuẩn bị mất tới 4 năm, nhưng ở Việt Nam có khi chỉ mất 6 tháng. Tương tự, cùng một dạng công trình, nhưng ở Đức có khi mất 5 năm chuẩn bị, còn 3 năm thi công, còn Việt Nam ngược lại - chỉ mất 1 năm chuẩn bị và mất tới 7 năm thi công.

5 năm làm công tác chuẩn bị của nước bạn khiến chi phí mất ít, còn Việt Nam thi công tới 7 năm thì chi phí đội lên rất nhiều. Đó cũng là một vấn đề cần giải trình cho rõ trước Quốc hội", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nêu vấn đề.


Thành Luân

Nguồn: baodatviet.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.