Chuyên mục
Cỗ máy kinh tế châu Âu lao đao vì 'lỡ chuyến' với Nga, Đức chỉ còn cách đi lại 'vết xe cũ' và tin vào Trung Quốc

Cỗ máy kinh tế châu Âu lao đao vì 'lỡ chuyến' với Nga, Đức chỉ còn cách đi lại 'vết xe cũ' và tin vào Trung Quốc

Thứ ba 16/04/2024 09:22 GMT + 7

Trong bối cảnh chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Liên bang, Thủ tướng Olaf Scholz - nhà lãnh đạo cỗ máy kinh tế đang lao đao của châu Âu sắp hết thời gian để tạo ra 'một phép màu' và đảo ngược tình thế khó khăn của nước Đức, cũng như chính phủ của ông trước cử tri.

 

Cỗ máy kinh tế châu Âu lao đao, Đức chỉ còn một cách đi lại 'vết xe cũ' và tin vào Trung Quốc. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/11/2022. (Nguồn: AP)

 

Giới quan sát bình luận rằng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang phớt lờ áp lực từ Washington khi thực hiện chuyến công du 3 ngày (14-16/4) tới Trung Quốc. Đây chuyến công tác nước ngoài dài nhất và quan trọng nhất kể từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2021 và cũng là chuyến thăm thứ hai ông tới Bắc Kinh trong một nhiệm kỳ, sau chuyến đầu tiên vào tháng 11/2022.

Đầu tầu kinh tế châu Âu lao đao

Đối với người đứng đầu một chính phủ hiện đang bị bủa vây bởi tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục và một liên minh đầy khó khăn, chuyến công du này được coi là một cơ hội, không chỉ để chứng minh nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn có vị thế toàn cầu, mà còn để cho cử tri của ông thấy rằng, Thủ tướng Scholz đang làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ nước Đức.

Thực tế là Mỹ - đồng minh lớn của Đức, đã và đang gây áp lực buộc Berlin phải “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Bắc Kinh - chỉ là một lý do khiến Trung Quốc có vẻ giống như một nơi mà Thủ tướng Scholz muốn tránh xa hơn.

Nhưng trên thực tế, giới phân tích bình luận rằng, dù điều gì có xảy ra trong tương lai, thì người Đức sẽ không sẵn sàng hy sinh sự thịnh vượng của mình, kể cả các mối quan ngại về an ninh của Washington hay thậm chí là Liên minh châu Âu (EU). Bằng chứng là, mãi cho đến khi xe tăng Nga lăn bánh về phía Kiev vào đầu năm 2022, Berlin - vốn trong nhiều năm phớt lờ cảnh báo từ các đồng minh về sự phụ thuộc vào Moscow, mới đảo ngược hướng đi và bắt đầu cai dần năng lượng Nga.

Không phải Thủ tướng Scholz không học được bài học của nước Đức. Mà bởi hiện tại, bất cứ sự lo lắng nào về "lối mòn" mà quốc gia này đã đi - việc quá phụ thuộc vào các nước khác dường như đã tan biến trong “đám mây đen” bao trùm nền kinh tế lớn nhất châu Âu lúc này.

Nước cờ Trung Quốc của ông Scholz được nhận định là không chắc chắn. Trong nhiều thập niên, con đường mà các nhà xuất khẩu Đức đến với Trung Quốc đã được trải “đầy vàng“, mang lại lợi nhuận và duy trì vị thế của Đức là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, gần đây, con đường đó trông giống “đường cao tốc dẫn vào giông tố” trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng hung hãn hơn và chính sách công nghiệp nặng tay của Bắc Kinh.

Hai phần ba công ty Đức được Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc khảo sát gần đây phàn nàn về “cạnh tranh không lành mạnh” ở thị trường quốc gia châu Á. Trong khi đó, EU ngày càng thất vọng trước những khoản trợ cấp hào phóng mà Bắc Kinh dành cho các ngành công nghiệp quan trọng của mình, từ các nhà sản xuất tuabin gió đến các doanh nghiệp ô tô.

Làn sóng nhập khẩu xe điện giá rẻ của Trung Quốc vào châu Âu cũng đang trực tiếp gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước, đến mức EU đang cân nhắc việc áp thuế ngay vào mùa Hè này.

Nhưng trong khi ngành công nghiệp ô tô Đức cũng phải chịu áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ, thì những hãng như Mercedes và BMW lại không ủng hộ việc ngăn chặn Bắc Kinh, vì sợ làm tổn hại đến lợi ích kinh doanh của chính họ, nếu Bắc Kinh trả đũa.

Nói cách khác, "không còn đường quay lại". Khi ngành công nghiệp Đức lần đầu tiên chuyển đến Trung Quốc vào những năm 1980, các chính trị gia và giám đốc điều hành tin rằng, họ đang đầu tư vào tương lai. Với sự thịnh vượng, Bắc Kinh sẽ tự do hóa và “trở nên phương Tây hơn”, thậm chí dân chủ hơn. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã dành hàng thập niên tranh thủ học hỏi từ phương Tây và khai thác triệt để các công nghệ mới, đến mức giờ đây họ không còn phụ thuộc vào những nước như Đức nữa.

... Nhưng Đức vẫn rất cần Trung Quốc

Đối với các công ty Đức như Siemens và Volkswagen - những doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc từ 40 năm trước, nền kinh tế số 1 châu Á đã trở thành một trụ cột trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ.

Không chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% doanh số bán ô tô toàn cầu của Volkswagen, các công ty hàng đầu khác của Đức - từ doanh nghiệp ô tô hay nhà sản xuất hóa chất như BASF - càng phụ thuộc lớn hơn vào một thị trường khổng lồ, thậm chí nhiều nhà cung cấp gần như đã "đặt cược lớn" vào nền kinh tế Đông Bắc Á này.

“Thương mại với Trung Quốc mang lại cho chúng tôi sự thịnh vượng và thực tế là không thể thay thế trong một sớm, một chiều”, Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel khẳng định.

Sau những kết quả hoạt động kinh tế mờ nhạt vào năm 2023, các nhà kinh tế và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục trì trệ. Xuất khẩu đã giảm hơn 2% từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng. Mặc dù việc làm ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn mạnh mẽ, nhưng thành tích này có thể thay đổi nhanh chóng nếu kinh tế không khởi sắc.

Trong khi Đức phải đối mặt với một danh sách dài các thách thức tăng trưởng, từ tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề thường xuyên đến quản lý quá mức, điều mà một số nhà kinh tế coi là khó chịu nhất là tâm lý tiêu cực của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cảm giác bất an tăng cao.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát bình luận, chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Scholz mang nhiều cảm xúc tuyệt vọng hơn. Ngay cả khi Bắc Kinh mở cửa cho nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài hơn và ngừng các hoạt động bán phá giá ở châu Âu, nền kinh tế số hai thế giới cũng không còn là cường quốc tăng trưởng mạnh mẽ như trước đây.

Cuộc khủng hoảng tài sản và tình trạng dư thừa công suất trong các lĩnh vực then chốt đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn. Điều đáng lo ngại hơn đối với Đức là Trung Quốc không còn cần máy móc và hàng hóa kỹ thuật cao - vốn từng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia Tây Âu sang đất nước châu Á trong những thập niên gần đây. Điều đó không chỉ do nhu cầu yếu hơn mà còn bởi các doanh nghiệp Trung Quốc phần lớn đã bắt kịp các đối thủ Đức, khiến Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, công nghệ.

Những xu hướng đó khiến một số chính trị gia, đặc biệt là những người thuộc đảng Xanh chỉ trích Trung Quốc, và thẳng thừng cho rằng, Berlin nên quyết đoán, phải tách mình ra khỏi Bắc Kinh.

Nhưng trớ trêu là, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Kiel, một sự đoạn tuyệt lớn với Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Đức bị thu hẹp khoảng 5% - ngang bằng với những mất mát trong thời kỳ suy thoái mà nước này phải trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc đại dịch Covid-19.

Mặc dù, chuyên gia Schularick của Viện Kiel tự tin khẳng định, “đất nước chúng tôi có đủ khả năng phục hồi để giải quyết ngay cả một kịch bản cực đoan như vậy”, nhưng để vượt qua “cơn tố lốc” đó thì nói luôn dễ hơn làm. Trong khi, với những vấn đề rắc rối về mặt cơ cấu, Thủ tướng Scholz chưa đủ “dũng cảm” để làm xói mòn thêm mối liên kết kinh doanh Đức-Trung Quốc vào đúng thời điểm nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn.

Và như giới quan sát bình luận, Thủ tướng Đức không còn nơi nào thích hợp hơn để đi.

Ngành công nghiệp Đức cũng đã đầu tư rất nhiều vào Mỹ, cho đến nay, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế châu Âu này (xuất khẩu của Đức sang Mỹ đã đạt 158 tỷ Euro riêng trong năm 2023, so với 97 tỷ Euro sang Trung Quốc).

Nhưng ít nhất là trên lý thuyết, khi thị trường Mỹ đã tới hạn thì Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Đức khi tính chung cả xuất nhập khẩu) dường như là thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn. Với tình hình kinh tế khó khăn của Đức, Thủ tướng Scholz cần phải làm gì đó để thúc đẩy xuất khẩu. Và với sự thành công mà các công ty Đức đã đạt được ở Trung Quốc trong những năm qua, chưa có nơi nào tốt hơn để ông cho cử tri của mình thấy rằng, ông thực sự quan tâm đến kinh doanh.

Tuy nhiên, ngoài phép tính số học thông thường, còn có một phép tính phức tạp hơn về những ràng buộc kinh tế, chính trị và cả chiến lược. Điều đó giải thích hành động cân bằng, khi đứng giữa hai mối quan hệ lớn với hai cường quốc "một chín, một mười" mà Thủ tướng Đức Scholz đang cố gắng thực hiện

Bởi vậy, phớt lờ sự "nhướn mày" ở Washington, ông Scholz đã dẫn theo một phái đoàn tùy tùng gồm khoảng chục giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu tới Bắc Kinh. Chuyến thăm của ông thậm chí còn tham vọng hơn khi đến thăm cả ba thành phố lớn của Trung Quốc - Thượng Hải, Bắc Kinh và Trùng Khánh.

Bởi trong thế giới thực, dù chính phủ Liên bang đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thì ngành công nghiệp Đức không những không giảm mà vẫn đều đặn tăng sự phụ thuộc. Đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc vẫn tăng qua các năm và đạt kỷ lục gần 12 tỷ Euro vào năm 2023.

Tất nhiên, không ai hiểu sự phụ thuộc của Berlin vào Bắc Kinh hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng bất chấp vị thế kinh tế đang suy yếu, nền kinh tế dẫn đầu châu Âu vẫn là "một giải thưởng" quan trọng đối với Bắc Kinh - cả do tầm quan trọng của nước này trong EU và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

 

Minh Anh

Nguồn: baoquocte.vn
2 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.