Chuyên mục
Bạo loạn ở Pháp: Nền kinh tế nợ nần - khe cửa hẹp cho Tổng thống Macron

Bạo loạn ở Pháp: Nền kinh tế nợ nần - khe cửa hẹp cho Tổng thống Macron

Thứ tư 05/07/2023 12:06 GMT + 7

Bạo loạn ở nước Pháp hiện đang bước sang ngày thứ bảy liên tiếp. Giới quan sát cho rằng, ngay cả khi trật tự được khôi phục hoàn toàn trong những ngày tới, tình trạng bất ổn dân sự chắc chắn sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Và lần này, Tổng thống Emmanuel Macron có rất ít cơ hội để 'chữa cháy' bằng một đợt chi tiêu bổ sung.


Bạo loạn ở Pháp: Nền kinh tế nợ nần - khe cửa hẹp cho Tổng thống Macron. (Nguồn: Getty Images).


Trong cuộc bạo loạn lần này, hàng ngàn người đã bị bắt giữ, ước tính có khoảng 6.000 ô tô đã bị đốt cháy hoặc phá hủy, vô số cửa hàng đã bị cướp hoặc đập phá.

Biểu tình đã trở thành một món "đặc sản" của người Pháp, nó xảy ra như cơm bữa, từ những chuyện nho nhỏ cho đến những vấn đề quốc gia đại sự. Chính những người Pháp cũng hài hước thừa nhận "chúng tôi là những nhà vô địch biểu tình".

Các trang web du lịch tại Pháp hay du học sinh đều có thêm mục khuyến cáo mọi người có sự chuẩn bị về tinh thần hay phương án dự phòng cho những tình huống xấu có thể bất tình lình xảy ra.

Theo Giáo sư Sử học Michel Pigenet, bạo lực trong biểu tình vốn không phải là một truyền thống đặc trưng của người Pháp, nhưng ông nhận thấy, bạo lực trong biểu tình cứ tiếp tục tăng, ngày càng nguy hiểm kể từ năm 2000.

Nỗi buồn nước Pháp

Nếu như những cuộc biểu tình sau cái chết của cậu thiếu niên Nahel M. bộc lộ một xã hội Pháp còn nhiều bất ổn, thì hàng trăm cuộc biểu tình kèm bạo loạn mấy tháng đầu năm 2023 chống lại luật tăng tuổi hưu lên 64 tuổi lại cho thấy một nước Pháp phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế.

Nền kinh tế thứ hai châu Âu đang ngập trong nợ nần. Tất nhiên, cuộc bạo loạn sẽ không khiến nền kinh tế nước này phá sản, nhưng đây chính là một thời điểm có tính bước ngoặt.

Vẫn cần thời gian để xem liệu các cuộc bạo loạn tồi tệ nhất bao lâu có thể lắng xuống, hay bạo lực có nguy cơ quay trở lại hay không, như những gì người Pháp từng chứng kiến hồi năm 2005. Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn và rõ ràng là bom xăng và “cocktail Molotov” đang và còn gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Pháp.

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ, vào lúc cao điểm, 1.500 chiếc ô tô đã bị đốt cháy mỗi đêm. Ngay cả vào một ngày Chủ nhật “yên tĩnh”, số xe bị phá hoại vẫn lên tới hàng trăm. Ước tính có khoảng 500 tòa nhà đã bị đốt phá vào đêm ngày thứ Năm vừa qua.

Ước tính ban đầu từ các công ty bảo hiểm cho thấy, thiệt hại có thể lên tới 100 triệu Euro. Nhưng tất nhiên, “hóa đơn” tổng thể cuối cùng sẽ cao hơn nhiều. Các cửa hàng đã phải đóng cửa suốt cuối tuần qua, kể cả dọc theo đại lộ Champs-Élyseés.

Lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế đi lại sẽ gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh nhà hàng. Và ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh, chính phủ đã ban hành các tư vấn du lịch, cảnh báo du khách về du lịch Pháp trong cao điểm Hè này.

Điều này đáng chú ý, Pháp vốn là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, nơi du lịch chiếm tới 10% GDP. “Tổng chi phí” của tình trạng bất ổn hiện tại sẽ phụ thuộc vào thời gian bạo loạn sẽ còn kéo dài bao lâu, thời gian càng dài mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.

Một nền kinh tế không còn bền vững


Trong quá khứ, các chính phủ Pháp đã “mua chuộc” các cuộc bạo lực dân sự bằng cách tăng chi tiêu công. Sau ba tuần bạo loạn vào năm 2005, lúc đỉnh điểm, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy khi đó đã hứa hẹn một “Kế hoạch Marshall” cho các vùng ngoại ô, với hàng tỉ USD cam kết hướng tới nhà ở và giao thông tốt hơn.

Sau các cuộc biểu tình “gilets jaunes” (biểu tình áo vàng) vào năm 2019, Tổng thống Macron đã cắt giảm thuế nhiên liệu và tăng thêm trợ cấp để làm giảm bức xúc của những người biểu tình chủ yếu ở vùng nông thôn.

Giới quan sát dự đoán rằng, trong những ngày tới, có lẽ chúng ta có thể mong đợi được nghe về một số cam kết chi tiêu lớn để “khắc phục” cuộc khủng hoảng.

Nhưng vấn đề là, Paris đang bế tắc khi tìm lối thoát khỏi thảm họa này. Trong thập kỷ qua, tình hình tài chính của họ đã xấu đi đáng kể. Vương quốc Anh có thể đang ở trong tình trạng khó khăn, nhưng vị thế của Pháp thậm chí còn tồi tệ hơn. Tổng tỷ lệ nợ trên GDP của Pháp đã đạt 112% GDP, so với 100% ở Anh và 67% ở Đức. Hơn nữa, điều này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của thập kỷ.

Thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ đạt 4,7% GDP trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ đạt 4,4% GDP vào năm tới.

Kinh tế Pháp đang tồn tại một trong những thâm hụt cơ cấu lớn nhất trong thế giới phát triển. Chi tiêu nhà nước đã tiêu tốn gần 60% GDP và với tỷ lệ thuế trên GDP là 45%, Pháp đang đứng thứ hai trong số các quốc gia OECD về số tiền mà chính phủ trích ra khỏi nền kinh tế.

Không có cơ hội để tăng thuế, cũng như không thể hy vọng vay nhiều hơn nữa. Pháp đã vượt qua Italy để trở thành con nợ quốc gia lớn thứ ba trên thế giới – ít nhất được đo bằng số tiền nợ thay vì tỷ lệ phần trăm sản lượng – và chỉ xếp sau các nền kinh tế lớn hơn nhiều là Mỹ và Nhật Bản.

Các cơ quan xếp hạng cũng đã tỏ ra lo lắng về mức nợ nần đang tăng lên ở Pháp. Vào tháng 5, Cơ quan xếp hạng tài chính Fitch đã hạ bậc nợ của Pháp xuống mức "AA-". “Bế tắc chính trị và các phong trào xã hội (đôi khi bạo lực) gây rủi ro cho chương trình cải cách của Tổng thống Macron và có thể tạo áp lực cho một chính sách tài khóa mở rộng hơn hoặc có nguy cơ làm đảo ngược các cải cách trước đó”, cơ quan này lưu ý.

Tổng thống Macron gần như đã thành công trong việc cải cách lương hưu. Dù hàng trăm cuộc biểu tình đã nổ ra, cuối cùng Paris vẫn phải cắn răng chốt tuổi về hưu chính thức lên 64, bằng cách sử dụng đặc quyền Hiến pháp (điều 49.3) cho phép thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện và cuối năm nay sẽ bắt đầu áp dụng.

Nhưng hiện giờ, chính quyền của ông đang gặp nhiều khó khăn trong cách phản ứng với các cuộc bạo loạn kéo dài từ cuối tuần trước.

Giới phân tích bình luận, không giống với các đời Tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Macron không thể đối phó với một ngày cuối tuần đầy bạo loạn bằng một loạt chi tiêu bổ sung mới. Bởi, ông không cón không gian tài chính để làm việc đó.

Thậm chí, ông đang có ý định cắt giảm chi tiêu trong vài năm tới để cố gắng giảm bớt tình trạng hiện tại và đưa ngân sách trở lại cân bằng. Nhưng điều đó được cho là sẽ chỉ làm cho các vấn đề ở những khu vực thiếu thốn nhất trở nên tồi tệ hơn.

Bạo loạn, đốt phá và bất ổn đang đè nặng và còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Pháp, đồng thời tạo ra nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, vào đúng thời điểm rất khó khăn của chính phủ Tổng thống Macron.

Có thể mọi thứ tồi tệ nhất không xảy ra trong tháng này hoặc sáu tháng tới – nhưng bạo loạn đã phơi bày một nền kinh tế Pháp đã trở nên không bền vững, cần phải có những cải cách có tính bước ngoặt.


Minh Anh (theo Telegraph, Moroccoworldnews)

Nguồn: baoquocte.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.