Chuyên mục
Bằng chứng EU vô phương thoát khí đốt Nga: Đã xoay sang LNG nhưng Moscow vẫn là nhà cung cấp lớn thứ 2

Bằng chứng EU vô phương thoát khí đốt Nga: Đã xoay sang LNG nhưng Moscow vẫn là nhà cung cấp lớn thứ 2

Thứ tư 24/04/2024 10:31 GMT + 7

Theo nguồn tin từ Financial Times, cơ quan quản lý năng lượng của EU cảnh báo hãy thận trọng khi hạn chế nhập khẩu khí LNG của Nga.


Châu Âu có nhu cầu lớn với khí đốt Nga


Trang Guancha.cn (Trung Quốc) dẫn báo cáo của Financial Times và Bloomberg cho hay, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng (ACER) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/4 cảnh báo rằng bất chấp nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của EU có thể đạt đỉnh trong năm nay, để tránh những cú sốc năng lượng, EU vẫn cần nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga và "nên xử lý" các hạn chế đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga một cách thận trọng.

Cảnh báo từ cơ quan quản lý năng lượng EU được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang nỗ lực thúc đẩy EU cấm hoàn toàn việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga.

EU cũng hy vọng sẽ ngừng nhập khẩu dần toàn bộ nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, Financial Times cho rằng báo cáo của ACER nhấn mạnh rằng EU khó có thể đạt được sự cân bằng giữa an ninh năng lượng của chính mình và việc cắt giảm mua khí đốt của Nga để tác động đến nền kinh tế Nga.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, các nước EU đã tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Nga để giảm bớt sự phụ thuộc vào đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga.

Thị trường năng lượng năm nay hỗn loạn và người dân lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông sẽ dẫn đến khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, đà tăng giá dầu khí vẫn được kiểm soát tương đối.

 

Tàu chở dầu chở lô hàng đầu tiên từ nhà máy Poltovaya LNG trên bờ biển Baltic của Nga dỡ hàng tại cơ sở Revithoussa ở Athens, Hy Lạp, ngày 10/4/2022 (Ảnh: CFP)


EU hiện là thị trường nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2023, các nước thành viên EU đã nhập khẩu 134 tỷ mét khối LNG, chiếm 42% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU.

ACER cho biết trong báo cáo rằng khi EU đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, nhu cầu về LNG trong khu vực có thể đạt đỉnh vào năm 2024.

Đồng thời nói thêm rằng trừ khi mùa đông năm nay đặc biệt lạnh, nhu cầu LNG của EU có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái.

Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu


Tuy nhiên, sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung cấp LNG của Nga vẫn còn lâu mới kết thúc. Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU sau Mỹ, chiếm 16% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU vào năm ngoái.

Theo nhà cung cấp phân tích thị trường Kpler, các nước EU đã mua 15,5 triệu tấn LNG của Nga vào năm 2023, nhiều hơn gần 40% so với tổng lượng năm 2021.

Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi nguồn cung cấp khí đốt của Nga từ đường ống sang khí tự nhiên hóa lỏng, tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga của châu Âu đã giảm khoảng 2/3 so với mức trước xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà ngoại giao EU cho biết Thụy Điển, Phần Lan và các nước vùng Baltic đang thúc đẩy EU áp đặt ngay lệnh cấm toàn diện đối với LNG của Nga, điều này đòi hỏi sự đồng thuận giữa các nước thành viên EU.

Các quan chức từ một số quốc gia thành viên EU sẽ vận động Ủy ban châu Âu về kế hoạch này. Tuy nhiên, Financial Times chỉ ra rằng các quốc gia thúc đẩy lệnh cấm này không phải là những quốc gia nhập khẩu LNG Nga.

Các nước như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những quốc gia nhập khẩu chính, và một phần khí cũng được bán cho Đức và các nước Trung Âu láng giềng.

Các nước nêu trên quan tâm đến vấn đề giảm chi phí năng lượng công nghiệp và không phản đối việc nhập khẩu LNG của Nga.

 


Số liệu đến trung tuần tháng 4/2024 cho thấy các nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU gồm Mỹ, Nga, Qatar và các nhà cung cấp khác (Nguồn: Financial Times)


EU bất đồng chuyện "loại" khí đốt Nga


Vào hôm 11/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua quy định mới cấm các công ty Nga đăng ký năng lực cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển LNG. Đây là bước đi hỗ trợ pháp lý cho các chính phủ châu Âu trong việc hạn chế nhập khẩu LNG của Nga.

Một số nước thành viên EU đang cố gắng lợi dụng quy định mới này để tạm thời hạn chế nhập khẩu khí đốt tự nhiên (bao gồm cả LNG) từ Nga và Belarus.

Tuy nhiên, ACER bày tỏ lo ngại về điều này, đồng thời chỉ ra rằng các biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp dài hạn đã đạt được với Nga trước khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.

Việc vi phạm các hợp đồng như vậy có thể buộc các công ty châu Âu phải trả khoản tiền phạt khổng lồ.

Ủy ban châu Âu đề xuất dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027, nhưng ACER chỉ ra rằng năm 2027 sắp đến gần và sẽ khó có thể chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu LNG từ Nga trước thời điểm đó.

Trong trường hợp này, "cần thêm thời gian đàm phán để đạt được thỏa thuận", cơ quan này cho biết.

Ngoài ra, Áo, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia cảnh báo rằng họ có thể buộc phải tăng nhập khẩu khí đốt của Nga do thuế của Đức đối với khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua biên giới.

Tờ Financial Times nhận định điều này càng cho thấy có sự khác biệt trong nội bộ EU về vấn đề an ninh năng lượng và các nước này đang phải đối mặt với áp lực trong quá trình đa dạng hóa các nguồn năng lượng.

 

Phước Hải

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.