Chuyên mục
Châu Âu trước ''cơn ác mộng'' thắt chặt hầu bao

Châu Âu trước ''cơn ác mộng'' thắt chặt hầu bao

Thứ bảy 04/05/2024 05:41 GMT + 7

Phớt lờ sự phản đối của giới công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự lo ngại kỷ nguyên 'thắt lưng buộc bụng' trở lại, Nghị viện châu Âu mới đây đã chính thức phê chuẩn các quy định ngân sách mới cho Liên minh châu Âu (EU), theo đó tái kích hoạt các biện pháp kiểm soát ngân sách nghiêm ngặt của Brussels vốn đã bị bãi bỏ do đại dịch.


Tháng 4 vừa qua, hầu hết các quốc gia thành viên EU cùng các thể chế của EU và Bỉ - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, đã ký tuyên bố La Hulpe, qua đó thể hiện một tín hiệu mạnh mẽ về tầm quan trọng của chính sách xã hội và trụ cột quyền xã hội của châu Âu.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức phê chuẩn các quy định ngân sách mới của EU - bao gồm các nội dung cải cách những quy định hiện hành trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng được ban hành từ cuối thế kỷ trước. Điều này báo hiệu sự quay trở lại đáng lo ngại của các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

 

Liên đoàn Công đoàn châu Âu tuần hành ở Brussels yêu cầu “Ngừng thắt lưng buộc bụng”.

 

Nếu nhớ lại khi các chính phủ trên khắp châu Âu cắt giảm ngân sách, dịch vụ và khiến cuộc sống của người dân châu Âu trở nên khó khăn hơn, người ta sẽ hiểu tại sao nhiều người lại lo lắng trước sự thay đổi chính sách này.

Hạn chế ngân sách sẽ khiến tình hình tệ hơn

Cụ thể, các quy định tài khóa mới sẽ yêu cầu các chính phủ duy trì nợ công ở mức 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP. Tuy nhiên, những quy tắc này có cách tiếp cận mới và chia các quốc gia thành các nhóm rủi ro cao, trung bình và thấp. Các quốc gia có rủi ro cao và trung bình được yêu cầu giảm nợ và/hoặc thâm hụt, trong khi các quốc gia có rủi ro thấp phải duy trì mức nợ dưới 60% và thâm hụt dưới 3%.

Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, khủng hoảng khí hậu và sự gia tăng các phong trào phản dân chủ, chắc chắn rằng những hạn chế về ngân sách này sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo cách tiếp cận mới này, các quốc gia thành viên EU có tỷ lệ nợ công vượt quá 90% GDP phải giảm nợ 1 điểm phần trăm GDP hằng năm. Các quốc gia EU có tỷ lệ nợ công từ 60% đến 90% GDP được yêu cầu giảm nợ 0,5 điểm phần trăm hằng năm.

Theo một nghiên cứu của Liên đoàn Công đoàn châu Âu và Quỹ Kinh tế mới, để tất cả các quốc gia thành viên đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và an sinh xã hội của EU, sẽ cần thêm 300-420 tỷ euro (2,1-2,9% GDP của EU)/năm. Khi những quy định ngân sách mới được áp dụng, chỉ có 3 quốc gia thành viên gồm Đan Mạch, Thụy Điển và Ireland đủ khả năng đáp ứng yêu cầu này.

Laura de Bonfils, Tổng thư ký của tổ chức bảo trợ Social Platform, nói với Euronews: “Châu Âu có nguy cơ lặp lại những sai lầm trong quá khứ, tập trung vào tỷ lệ nợ và thâm hụt thay vì ưu tiên một nền kinh tế hoạt động vì phúc lợi của người dân và hành tinh xanh”.

 


Hạn chế ngân sách được cho là sẽ khiến tình hình tệ hơn.

 

Tuy nhiên, nghị sĩ Markus Ferber (đảng Nhân dân Đức) - đồng bảo trợ cho các biện pháp cải cách quy định ngân sách EU - nêu rõ: “Khi bạn có quyền kiểm soát ngân sách của mình, bạn không cần phải thắt lưng buộc bụng, do đó mọi người đang nhầm lẫn giữa thứ này với thứ kia”.

Người châu Âu muốn gì?

Không ngạc nhiên khi tác động của các cuộc khủng hoảng này là mối quan tâm hàng đầu ở châu Âu. Trong một cuộc khảo sát mới do Eurobarometer thực hiện, khi được hỏi về các ưu tiên hàng đầu của họ, người dân châu Âu đã chỉ ra cuộc chiến chống đói nghèo và lề hóa xã hội, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và tạo việc làm. Tuy nhiên, các quy định ngân sách mới sẽ ngăn cản châu Âu đầu tư vào các chương trình xã hội, bệnh viện và hành động vì khí hậu - chính xác là những gì mọi người yêu cầu.

Trong một thế giới đang số hóa nhanh chóng, căng thẳng về địa chính trị và cạnh tranh ngày càng gia tăng, EU không đủ khả năng thực hiện các chính sách hạn chế đầu tư công và kìm hãm tiến bộ kinh tế-xã hội. Các quy tắc này, vốn đã được chứng minh là khó thực thi và là nguyên nhân gây căng thẳng, từng bị đình chỉ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine gây ra. Tuy nhiên, ngay cả khi những tác động tàn khốc nhất của những cuộc khủng hoảng đó đang dần lùi vào quá khứ, châu Âu vẫn đang ở trong mắt bão. Bây giờ không phải là lúc để lùi bước.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy “thắt lưng buộc bụng” làm gia tăng bất bình đẳng đồng thời cản trở tăng trưởng kinh tế. Một khía cạnh thú vị khác từ cuộc khảo sát Eurobarometer mới nhất đối với người châu Âu 81% cho rằng việc thông qua cải cách quy định ngân sách quan trọng hơn bao giờ hết do những thách thức địa chính trị hiện nay. 73% công dân EU cho rằng các quyết định của EU ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ.

Điều này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Châu Âu đang cần người lãnh đạo chứ không phải sự hèn nhát. Giờ không phải là lúc đưa ra các giải pháp tạm thời để giải quyết các vấn đề gốc rễ hay lặp lại những cách tiếp cận cũ. Để EU có thể theo kịp tốc độ toàn cầu và khẳng định mình là một lực lượng quốc tế hùng mạnh, rút lui không phải là một lựa chọn.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử ở châu Âu sắp diễn ra, làn sóng các đảng cực hữu trên khắp lục địa già và những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang gõ cửa EP. Đây là một vấn đề dai dẳng mà EU chưa giải quyết được tận gốc rễ. Nhiều năm qua, các công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự trong Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu đã kêu gọi tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách của EU để chống lại xu hướng này. Điều này không thể giải quyết được bằng các giải pháp ngắn hạn mà phải bắt đầu bằng cách thực sự lắng nghe những gì người dân mong muốn và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và một châu Âu bền vững.

 

Trần Anh

Nguồn: antg.cand.com.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.